Tham dự họp báo còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sĩ Lợi; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị hữu quan, phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp các vấn đề báo chí quan tâm
Tại buổi họp báo, sau khi giới thiệu dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã trao đổi thêm với các phóng viên về nhiều nội dung liên quan đến việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến do đã đến tuổi nghỉ hưu và chuyển sang làm Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; về lộ trình xem xét phê chuẩn Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU; việc đôn đốc đại biểu Quốc hội sắp xếp tham gia phiên họp đầy đủ, đặc biệt tại các phiên họp biểu quyết thông qua Luật, các quyết định quan trọng của đất nước; về đề xuất đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…
Trả lời về câu hỏi của phóng viên về việc 9 người đi nhờ chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội tự ý ở lại Hàn Quốc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, việc 9 người này bỏ trốn đã ảnh hưởng rất lớn đến danh dự và uy tín của Quốc hội. Những người này không phải “đi cùng” bởi những người này không thuộc Đoàn mà đi theo Đoàn của "Diễn đàn Kinh tế thương mại" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức. Ngay khi nhận thông tin từ phía Hàn Quốc, Văn phòng Quốc hội đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất những người còn lại về nước, đồng thời lập biên bản.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp các vấn đề báo chí quan tâm
Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác nhưng việc 9 người bỏ trốn ở lại là không tốt chút nào. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo.
Về ứng dụng công nghệ thông tin tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, nếu như tại kỳ họp trước Quốc hội tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội thì Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội chính thức sử dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp và sử dụng tài liệu. Theo đó, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội chỉ là tài liệu điện tử, không có văn bản giấy (trừ nội dung Mật). Hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã hoàn thiện việc nâng cấp một số tính năng của phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu trên thiết bị di động và máy tính bảng để kịp thời phục vụ đại biểu tại kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội cũng có thể sử dụng các ứng dụng thư viện số, hỗ trợ tức thì để có thêm thông tin. Qua đó tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.
Trước băn khoăn của các phóng viên về độ tin cậy của các báo cáo gửi đến Quốc hội, trách nhiệm của các cơ quan trước vụ việc báo cáo thi hành Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp gửi Quốc hội nhưng số liệu không chính xác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, theo quy định, tài liệu gửi tới Quốc hội sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trước đó Uỷ ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ. Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 36 thì Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chỉnh lý. Hiện nay, báo cáo của Chính phủ chưa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chính thức gửi tới Quốc hội.
Toàn cảnh buổi họp báo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng cho hay, cơ quan nào báo cáo thì chịu trách nhiệm số liệu và thông tin của báo cáo. Báo cáo được gửi đến Quốc hội là bảo đảm tính công khai, thể hiện được sự giảm sát của đại biểu Quốc hội, của cử tri đối với các báo cáo này và từ đó lên tiếng, đặt lại vấn đề cho cơ quan báo cáo để giải trình các thông tin. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, đây là những kênh giám sát rất quan trọng.
Phát biểu kết thúc họp báo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tốt quy định pháp luật báo chí; tuân thủ quy định, nội quy của Trung tâm Báo chí Kỳ họp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội góp phần tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, phong phú tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8./.