HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013

09/11/2018

Sáng ngày 09/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe theo quy định của Hiến pháp năm 2103". Đây là hoạt động khoa học nằm trong khuôn khổ và kế hoạch nghiên cứu năm 2018. PGS.TS Hoàng Văn Tú- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học; các phó giáo sư, giáo sư, tiến sỹ... là lãnh đạo khoa, bộ môn của Trường Đại học Luật Hà Nội; Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; các chuyên gia đến từ tổ chức y tế thế giới WHO tại Việt Nam, các đơn vị chuyên môn của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp.

Toàn cảnh Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc ức khỏe theo quy định của Hiến pháp năm 2013

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta. Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của BCHTW về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã khẳng định mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan. Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân được ghi nhận trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia; được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và nhiều đạo luật quan trọng. Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.” (Điều 38).

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu khoa học của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, là cơ quan chủ trì đề tài “Hoàn thiện pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe theo quy định của Hiến pháp năm 2013 - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Việc nghiên cứu đề tài đặt ra trong bối cảnh các vấn đề xã hội ngày càng trở nên bức thiết, vai trò của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật trở nên thiết thực hơn bao giờ hết nhằm định hướng đúng đắn và thể chế các chính sách xã hội một cách kịp thời và hiệu quả. Cần xây dựng một hệ thống pháp luật về quyền của người dân trong lĩnh vực y tế phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và phù hợp với các cam kết quốc tế. Từ những định hướng chính sách phù hợp, kịp thời, từng bước được điều chỉnh trong từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng bao quát, toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng y tế, thích ứng với việc xây dựng một hệ thống y tế hoàn chỉnh, khoa học và đồng bộ, có vai trò to lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại Hội thảo 

Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cơ bản như: xác định quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bao gồm những quyền gì và pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bao gồm tập hợp những chế định gì; nhận diện những vấn đề tác động tới việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân; xác định những vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật và đề xuất những định hướng, giải pháp đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Hội thảo là một nỗ lực nhằm trao đổi, thảo luận và thu thập ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về những vấn đề trên bình diện lý luận và thực tiễn đối với pháp luật về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, dựa trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần định hướng cho nhóm nghiên cứu đưa ra các quan điểm hướng tới phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội có cơ sở khoa học xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế và chăm sóc sức khỏe./.

 

Lê Anh