PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU CHỦ TRÌ HỘI THẢO KHOA HỌC ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

04/09/2019

Sáng ngày 04/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các  Bộ, ngành trung ương, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia và nhà khoa học.

Nghị quyết số 48 – NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/5/2005. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh nước ta đang từng bước xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 48 – NQ/TW cũng đã thể hiện tập trung đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và minh bạch theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 48 – NQ/TW là chiến lược đầu tiên mang tính toàn diện và dài hạn của nước ta. Chiến lược đã đưa ra 6 định hướng hoàn thiện thể chế về: tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; pháp luật về giáo dục – đào tạo, khoa học –công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; pháp luật về quốc phòng an ninh; pháp luạt về hội nhập quốc tế và hai nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, Chiến lược cũng đưa ra cách tiếp cận hệ thống pháp luật một cách toàn diện, gắn kết xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật với 4 trụ cột trong cấu trúc hệ thống pháp luật, đó là: Thể chế; Thiết chế thi hành pháp luật; Nhân lực pháp luật; Thông tin pháp luật. Chiến lược tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề lý luận nền tảng về hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong gần 15 năm qua, từ năm 2005 đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên  mọi mặt của đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo nên thành công đó là công tác xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật trong thời gian qua đã được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực theo các yêu cầu, định hướng, giải pháp mà Nghị quyết 48 – NQ/TW đã đề ra. Nghị quyết số 48 – NQ/TW đã mang lại những cải cách quan trọng, đáng ghi nhận trong xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trong thời gian này cũng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định, nhiều lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo. Xây dựng pháp luật chưa thực sự gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật, làm giảm hiệu lực pháp luật. Một số công đoạn trong quá trình xây dựng pháp luật chưa thực sự minh bạch. Năng lực tổ chức thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Ngoài ra, còn thiếu công cụ, tiêu chí chuẩn mực để đánh giá chất lượng hệ thống pháp luật nói chung và hiệu quả, hiệu lực thi hành pháp luật thực tế của hệ thống pháp luật nói riêng.

Xuất phát từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới cả trong nhận thức và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đổi mới cơ chế hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật là vô cùng cần thiết. Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng đất nước dân chủ, văn minh, giàu mạnh là hết sức quan trọng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về 3 vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị như : Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương...; hoàn thiện pháp luật về công chức, công vụ trong Nhà nước pháp quyền XHCN…

Thứ hai là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: hoàn thiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị; pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực: kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo; pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân và vấn đề bảo đảm sự tham gia của công dân vào quản lý nhà nước và xã hội…

Thứ ba là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: hoàn thiện pháp luật về quyền tự do kinh doanh; pháp luật về quyền sở hữu; pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về việc tạo lập đồng bộ cho các thị trường; pháp luật về hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán ở nước ta hiện nay…

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 04-05/9, với mục đích cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay và thực tiễn thi hành, từ đó đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 48 - NQ/TW đã đề ra trong gần 15 năm thực hiện, đánh giá những mục tiêu còn nguyên giá trị, cần tiếp tục thực hiện, cũng như những mục tiêu cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam./.

Lan Anh - Trọng Quỳnh