Toàn cảnh Hội thảo "Các yếu tố bảo đảm thi hành kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam: Thực trạng, phương hướng và giải pháp hoàn thiện"
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số vụ, đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao; Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu Lập pháp;....
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú nêu rõ, trong thời gian qua việc thực hiện pháp luật về giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội đã đạt được những thành tựu nhất định. Qua giám sát và kết luận giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì thực tiễn thi hành pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội cũng bộc lộ một số những hạn chế, bất cập, trong đó có liên quan đến những yếu tố bảo đảm đến việc thi hành kết luận giám sát của Quốc hội.
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận đã tập trung phân tích và làm rõ thực trạng các yếu tố bảo đảm thi hành kết luận giám sát của Quốc hội; việc ban hành kết luận giám sát của Quốc hội và thực trạng thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội; mối quan hệ giữa việc thực hiện kết luận giám sát với chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;…
Về thực trạng việc ban hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, trong những năm gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả giám sát được nâng cao. Về cơ bản, Quốc hội đã thực hiện hầu hết các hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền; sau khi kết thúc hoạt động giám sát, Quốc hội đã ban hành nghị quyết giám sát để đánh giá những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giám sát đã làm được; những hạn chế, bất cập; nguyên nhân của hạn chế, bất cập; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân bị giám sát… Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết giám sát được tiến hành công phu, phát huy trí tuệ tập thể; nội dung nghị quyết sát với thực tiễn, có tính khả thi và được cử tri đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: thời gian gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối với một số dự thảo nghị quyết giám sát còn gấp; nội dung một số nghị quyết còn chưa sát với thực tiễn;…
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến trình bày tham luận tại Hội thảo
Về tình hình thực hiện trách nhiệm của các đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội, Bà Phùng Thị Hoàn, Vụ pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của Quốc hội đã chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả cao hơn trước. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã tạo những áp lực tích cực lên việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát vẫn còn những tồn tại nhất định như: vẫn còn tình trạng các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cảu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nghiêm túc; chưa quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý khi các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận giám sát của Quốc hội; việc thực hiện trả lời chất vấn trước Quốc hội của người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức bị đánh giá thấp về mức độ tập trung, trả lời chưa đúng, trúng câu hỏi dẫn đến không làm thỏa mãn yêu cầu của người chất vấn và cử tri cả nước khi theo dõi Quốc hội chất vấn.
Sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm đề xuất giải pháp bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận giám sát của Quốc hội. Theo Ông Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, để bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận giám sát, rất cần các giải pháp đồng bộ, vừa là yếu tố, vừa là điều kiện tác động qua lại lẫn nhau, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả thực hiện kết luận giám sát, đó là: Hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan; tăng cường chất lượng kết luận giám sát và kết quả thực hiện kết luận; có chế tài phù hợp xử lý trách nhiệm hiệu quả; theo dõi, đôn đốc thực hiện; cá điều kiện bảo đảm… Cũng cho ý kiến về giải pháp nâng cao hiệu quả của việc thực hiện kết luận giám sát, TS.Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nhấn mạnh: yếu tố có tính quyết định đến thi hành kết luận giám sát phụ thuộc giá trị pháp lý của kết luận giám sát, đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị của đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.
Kết luận hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Tú đánh giá cao những ý kiến phát biểu cũng như những báo cáo tham luận tại Hội thảo. Hội thảo là diễn đàn khoa học mở. Các bài tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm Đề tài nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, đảm bảo tính khách quan, tính hợp lý và tính hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu./.