GÓP Ý QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT SHTT

05/09/2021

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

 

Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ"

Để đảm bảo chất lượng cũng như tính khả thi của dự án Luật trước khi trình Quốc hội, hiện nay Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục được lấy ý kiến tham vấn rộng rãi từ phía các cơ quan, tổ chức; các chuyên gia, nhà khoa học cũng như đông đảo cử tri cả nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Viện Nghiên cứ lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp tổ chức, Luật sư Lê Quang Vinh đã có nhiều góp ý cụ thể vào quy định về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu tại Dự thảo.

Luật sư Lê Quang Vinh cho biết, chức năng của nhãn hiệu là để giúp công chúng phân biệt được nguồn gốc thương mại của các sản phẩm cùng loại của đối thủ cạnh tranh. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chính là công cụ pháp lý để vừa giúp bảo vệ công chúng không nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại vừa giúp bảo vệ thành quả đầu tư của doanh nghiệp. Theo đó, bảo hộ nhãn hiệu có nghĩa là bảo hộ chống khả năng gây nhầm lẫn xảy ra nếu đồng thời thỏa mãn hai điều kiện là sự trùng/tương tự giữa các nhãn hiệu và sự trùng/tương tự của sản phẩm mang các nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, nếu một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Nói khác đi, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trở thành ngoại lệ của quy tắc chung về ngăn chặn khả năng gây nhầm lẫn nêu trên vì nhãn hiệu nổi tiếng không cần đăng ký (ngoại lệ của ba nguyên tắc: giới hạn quyền theo lãnh thổ, xác lập quyền dựa trên cơ sở phải đăng ký, và nộp đơn đầu tiên) và phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhiều so với nhãn hiệu thông thường.

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là nghĩa vụ đối với Việt Nam để tuân thủ Công ước Paris và Hiệp định TRIPS (Điều 16). Tuy nhiên, vì bản chất bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là bảo hộ cho trạng thái trở nên nổi tiếng của nhãn hiệu hơn là bảo hộ cho một loại nhãn hiệu (nhãn hiệu có thể phân loại thành nhiều loại như nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu 3 chiều, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu được thừa nhận và sử dụng rộng rãi….). Tuy cùng có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của một sản phẩm như nhãn hiệu thông thường nhưng nhãn hiệu nổi tiếng khác biệt ở chỗ luôn chứa cùng lúc 3 thuộc tính khách quan: biết đến bởi công chúng với tư cách là nguồn gốc thương mại; phạm vi biết đến ở mức độ cao; danh tiếng gắn liền với sản phẩm/dịch vụ. Như vậy, bản chất của nhãn hiệu nổi tiếng thực chất không phải là một loại nhãn hiệu đặc biệt mà chỉ là một tình trạng hoặc trạng thái nổi tiếng gắn liền với một thời điểm cụ thể cho một loại hàng hóa/dịch vụ cụ thể.

Theo Luật sư Lê Quang Vinh Dự thảo 5 chưa giải quyết được 6 hạn chế liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng: Thứ nhất, bỏ sót nhãn hiệu nội tiếng không đăng ký (có nghĩa là nhãn hiệu này không có mặt trong đăng bạ quốc gia về nhãn hiệu ở Việt Nam ). Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền dễ tùy tiện khi “tự phong” nhãn hiệu có trước là nổi tiếng để từ chối nhãn hiệu nộp sau mà không tuân thủ quy tắc pháp luật quy định về chứng cứ và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Thứ ba, đánh đồng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là như nhau. Thứ tư, thiếu vắng nguyên tắc xác định thời điểm nhãn hieuj có trước bắt đầu nổi tiếng ở điểm d khoản 1 Điều 129 dẫn đến sai lầm cấp bảo hộ quá rộng và không đúng bản chất khách quan của nhãn hiệu nổi tiếng. Thứ năm, hậu quả “gây ấn tượng sai lệch” là chưa đủ để kết luận hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng trong trường hợp nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm sử dụng cho hàng hóa/dịch vụ không trùng/ không tương tự mà bắt buộc phải có thêm yếu tố “lợi ihcs của chủ nhãn hiệu nổi tiếng có thể bị thiệt hại do hành vi sử dụng đó”. Thứ sáu, chế định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mất cân đối, nghiêng về bảo vệ lợi ích cho chủ thể quyền hơn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cảu các chủ thể khác, chưa đảm bảo nguyên tắc bằng lợi ích.

Để khắc phục những bất cập này Luật sư Lê Quang Vinh đề xuất loại bỏ điểm i khoản 2 điều 74 (bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong thủ tục xác lập quyền) và điểm d khoản 1 điều 129 (bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong thực thi quyền) và xây dựng bổ sung điều 75a trong đó quy định các nguyên tắc chung về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong xác lập và thực thi quyền, nguyên tắc bảo hộ thụ động và căn cứ pháp lý theo Công ước Paris, Hiệp định TRIPs và Khuyến nghị chung của WIPO về các quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định ở Điều 18.22 CPTPP và Điều 12.20 EVFTA.

Bên cạnh đó, Luật sư Lê Quang Vinh đề xuất bổ sung cụm từ “có danh tiếng” vào khoản 20 điều 4 khi đó Dự thảo 5 sửa lại thành: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu có danh tiếng được người tiêu dùng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam”. Nếu không có thuộc tính “có danh tiếng” trong định nghĩa ở điều 4.20 thì vừa không phân định được ranh giới pháp lý giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi theo điểm g khoản 2 điều 74 Luật SHTT và vừa dễ gây nhầm lẫn giữa 2 đối tượng này.

Luật sư Lê Quang Vinh đề xuất giảm về 5 tiêu chí thay vì 8 tiêu chí ở Điều 75 vì 8 tiêu chí hiện tại quy định nghĩa vụ chứng cứ quá lớn đối với bên có yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng và cũng dễ gây hiểu nhầm trong quá trình thu thập chứng cứ và đánh giá quyết định nhãn hiệu nổi tiếng, chẳng hạn như số lượng người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thường được hiểu là yêu cầu một con số cụ thể số lượng người tiêu dùng biết đến. Luật sư Lê Quang Vinh kiến nghị dùng từ "yếu tố" thay thế cho từ "tiêu chí" để đảm bảo chính xác hơn./.

Lê Anh