QUY ĐỊNH “GIỚI HẠN NÔNG DÂN GIỮ GIỐNG” PHẢI ĐƯA RA GIỚI HẠN CỤ THỂ NHẰM CÂN BẰNG LỢI ÍCH

05/09/2021

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam cho rằng, việc được phép giữ giống cây trồng là đặc quyền nhưng đặc quyền này cần phải được giới hạn ở mức hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích.

 

Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ"

“Giới hạn nông dân giữ giống” là vấn đề nhạy cảm đối với tất cả các quốc gia khi đàm phán gia nhập UPOV mà không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, đây là quy định bắt buộc đối với một quốc gia Thành viên UPOV nhằm thực thi có hiêu quả hệ thống bảo hộ giống cây trồng, với mục tiêu khuyến khích chọn tạo giống cây trồng mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, một trong những chính sách đối với SHTT nói chung và bảo hộ giống cây trồng nói riêng là nhằm “cân bằng lợi ích” giữa chủ thể sáng tạo (Người tạo ra giống cây trồng mới)- Người sử dụng sản phẩm sáng tạo (bao gồm Người sản xuất trong đó chủ yếu là nông dân và người tiêu dùng).

Tại thời điểm xây dựng Luật SHTT năm 2005, điều kiện kinh tế xã hội, nhận thức các đối tượng liên quan còn hạn chế, mặt khác quy mô nông dân còn nhỏ, chủ yếu sản xuất tự túc tự cấp. Do vậy, việc đưa quy định này vào Luật khó khăn, chưa phù hợp với thực hình thực tiễn khi đó. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, đất nước thay đổi nhiều về kinh tế - xã hội, quy mô, hình thức cũng như cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngoài ra với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì việc đưa quy định này vào Luật là cần thiết nhằm thực thi hiệu quả hệ thống bảo hộ giống cây trồng.

Ông Nguyễn Thanh Minh đưa ra ví dụ: Tính đến 01/7/2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông nghiệp trong đó cso 20.611 trang trại, số còn lại là nông hộ sản xuất phục vụ nhu cầu hộ gia đình. Về diện tích đất sản xuất, bình quân diện tích mỗi đơn vị sản xuất là 5.674 m2. Miền Tây Nam bộ, có những hộ nông dân sản xuất hàng trăm ha lúa. Như vậy, nếu nông dân được phép giữa giống gieo trồng tiếp một cách tràn lan sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của tác giả.

Tuy nhiên, nông dân là người trực tiếp sử dụng giống mới để trồng ra các sản phẩm phục vụ xã hội. Do vậy, nên hiểu “giới hạn nông dân giữ giống” bao hàm ý đặc quyền của nông dân cso nghĩa người nông dân được phép giữ lại giống được bảo hộ để trồng tiếp cho vụ sau trên diện tích đất của mình. Việc được phép giữ là đặc quyền song đặc quyền này cần phải được giới hạn ở một mức hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp (giống đã được bảo hộ) cho tác giả chọn tạo ra giống cây trồng đó.

Đánh giá về tác động của việc quy định giới hạn nông dân giữ giống, ông Nguyễn Thanh Minh cho rằng, sẽ khuyến khích việc chọn tạo và giới thiệu nhiều giống mới ra sản xuất như vậy tăng hiệu quả sử dụng đất của nông dân, giúp đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc quy định cũng giúp tăng khả năng tiếp cận các giống cây trồng mới từ nước ngoài thông qua chuyển giao cho các tổ chức cá nhân Việt Nam khai thác giống tại Việt Nam cũng như đầu tư vào sản xuất chế biến giống ở Việt Nam; Duy trì chất lượng giống trong sản xuất, giảm thiểu các rủi ro mất mùa do giống không đảm bảo chất lượng.

Nhận thức về một số khó khăn trong việc thực hiện, ông Nguyễn Thanh Minh cho biết, Việt Nam có tỷ lệ nông dân cao, quy mô sản xuất lại manh mún. Do vậy, khi áp dụng quy định này có thể khó khăn trong khâu thực thi luật. Đồng thời, gây tranh cãi không cần thiết trong xã hội, đặc biệt ý kiến tiêu cực từ một số Tổ chức phi chính phủ có thể tạo hoang mang cho người sản xuất.

Để khắc phục những khó khăn này, ông Nguyễn Thanh Minh đưa ra giải pháp: Đưa ra giới hạn cụ thể nhằm cân bằng lợi ích như trong Dự thảo đã thể hiện. Ngoài ra, việc bổ sung khoản 3 với việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết giới hạn “hợp  lý” đối với cây lương thực là thỏa đáng vì cây lương thực ảnh hưởng tới nhu cầu thực phẩm của người nông dân, phải đảm bảo dân no đủ.

Về hướng xây dựng giới hạn, theo ông Nguyễn Thanh Minh có thể đưa ra hai lựa chọn: Một là , giới hạn về diện tích đối từng loài cụ thể cho mỗi hộ nông dân (lúa , ngô, đậu đỗ,…). Hai là, giới hạn quy mô sản xuất thông qua phân biệt “Hộ nông dân” và “chủ trang trại” trong đó định nghĩa rõ 2 đối tượng này để phân biệt hộ sản xuất cá thể phục vụ tiêu dùng cho bản thân và trang trại sản xuất kinh doanh. 

Ông Nguyễn Thanh Minh cũng cho biết thêm, tại Nhật Bản đã quy định giới hạn này trong Luật của họ từ 1998. Trong năm nay, Nhật Bản cũng đang trình Quốc hội Luật bảo hộ giống cây trồng và họ bỏ quy định này có nghĩa nông dân không được phép giữ giống được bảo hộ để gieo trồng tiếp nếu tác giả không đồng ý.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Nội dung góp ý của ông Nguyễn Thanh Minh, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, nằm trong khuôn khổ Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức vào sáng 28/8 tại Nhà Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo các ý kiến đã tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (quy định về quyền tác giả và quyền liên quan; quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,..; quy định về quyền sở hữu công nghiệp; quy định đối với giống cây trồng;…). Qua thảo luận, nhiều vấn đề còn vướng mắc trong quy định tại dự thảo đã được chỉ rõ, nhiều phương án, giải pháp cụ thể đã được các đại biểu, các chuyên gia đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trong thời gian tới.

Nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV phối hợp tổ chức nhằm kịp thời tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Đồng thời, khẳng định, đây sẽ là nguồn thông tin quý báu, bổ ích phục vụ thiết thực cho công tác thẩm tra dự án Luật, cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn giúp làm rõ các nội dung đang được đề nghị hoặc cần được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, nhằm tham mưu có hiệu quả để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021).

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021)./.

Lê Anh