TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

21/12/2021

Sáng 21/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công: Lý luận và thực tiễn”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có: PGS. TS Đặng Văn Thanh Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tư pháp,...

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH và các đại biểu Quốc hội.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;... Tuy nhiên, trong nội  dung cũng như phương thức giám sát vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Phó Viện trưởng nhấn mạnh, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, cần thiết nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về vấn đề này. Từ đó, đề xuất một số giải pháp mang tính khả thi.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề lý luận về hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công; Kinh nghiệm một số nước về giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công; Quy định pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công; Những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương;...

Giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công

Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Cao Phan Long, Đại học Thủ Đô cho biết, giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan nhà nước ở Trung ương làm một hình thức hoạt động của Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thông qua các hình thức giám sát cụ thể được nêu trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, trong đó đối tượng được giám sát là hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương trong lĩnh vực quản lý tài sản công.

Nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương là một hình thức hoạt động vừa rộng lại vừa có chiều sâu, vừa ở tầm chính sách vĩ mô lại mang tính chuyên môn kĩ thuật, Ths. Cao Phan Long cho rằng, phải có những nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với lĩnh vực quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương. Các nguyên tắc là những tư tưởng nền tảng, cơ bản, xuyên suốt được đảm bảo trong hoạt động giám sát đối với lĩnh vực này.

Theo Ths. Cao Phan Long các nguyên tắc giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Giám sát một cách có hệ thống, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đối tượng được giám sát, đảm bảo các nguyên tắc quản lí tài sản công theo cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả khai thác và sử dụng tài sản công;

“Để đảm bảo nguyên tắc này, nên tăng cường hình thức giám sát thường xuyên thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, các thể chế hoạt động thường trực của Quốc hội như Thanh tra Quốc hội (Parliamentary Ombudsman) đang được tổ chức trong cơ cấu Quốc hội một số nước có thể nghiên cứu để vận dụng vào mô hình ở Việt Nam. Đây là một bộ phận chuyên trách có chức năng giúp Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát, đặc biệt đối với một số lĩnh vực cần duy trì giám sát thường xuyên như quản lí tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương...”, Ths. Cao Phan Long kiến nghị.

Đánh giá cao vai trò cũng như sự cần thiết tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương, TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng cần nhận diện rõ các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quá trình này. Trong đó, cần lưu ý nhóm nhân tố từ hệ thống giám sát của Quốc Hội ; Nhóm các nhân tố từ đối tượng giám sát của Quốc Hội; Nhóm các nhân tố khách quan từ hệ thống giám sát của Quốc Hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương;... “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ, giám sát của Quốc Hội đối với tài sản công tại cơ quan nhà nước ở Trung ương  ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giám sát của Quốc Hội đối với sử dụng tài sản công. Hệ thống chính sách tốt, phù hợp với thực tế sẽ đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc sử dụng tài sản công.....”, TS. NCVC Trần Văn Duy lưu ý.

TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

TS. Lương Văn Tuấn, Học viện Tư pháp cho biết, tài sản công được xác định là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia; đây là nguồn lực nội sinh, tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Nhà nước là chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) và thống nhất quản lý đối với tài sản công.

Để thực hiện hoạt động giám sát tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương, Ủy ban tài chính – ngân sách của Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động giám sát theo chức năng được quy định cụ thể về nhiệm vụ, thẩm quyền: “Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, kiểm toán nhà nước; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và việc thực hiện chính sách tài chính, ngân sách.”

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội đối với cơ quan nhà nước ở trung ương là yêu cầu khách quan, cần thiết và không chỉ đơn thuần từ phía các cơ quan nhà nước mà quan trọng hơn là cần phải thiết lập cơ chế giám sát bên ngoài. Quan điểm các nước và quan điểm của Việt Nam về hoạt động giám sát của Quốc hội có những sự tương đồng và khác biệt khác nhau, đồng thời giám sát của Quốc hội Việt Nam cũng có những đặc trưng riêng biệt.

Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý, sử dụng tài sản công

Thảo luận tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu tác động tích cực đến hoạt động quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung giám sát cơ bản phúc đáp được yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, hình thức giám sát ngày càng phong phú, huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động này.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội 

Bên cạnh những kết quả đạt được, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản công. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế, PGS. TS Đặng Văn Thanh kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực này. “Cần thống nhất nhận thức về tài sản quốc gia, tài sản công, tài sản nhà nước; Hoàn thiện các quy định pháp lý về hoạt động Giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng Tài sản nhà nước, trọng tâm là các quy định mang tính pháp lý về trách nhiệm của các chủ thể giám sát và đối tượng được giám sát;...” PGS.TS Đặng Văn Thanh đề xuất.

Để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương, TS. Trần Văn Duy cho rằng, cần hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương từ đất đai; ...

Theo TS. Trần Văn Duy, việc giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương  phải được đặt trong tổng thể công tác quản lý tài sản công và trong mối tương quan với việc duy trì, phát triển tài sản công để bảo đảm vai trò cơ sở vật chất của nền kinh tế, bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích một số vấn đề thực tế về giám sát của Quốc hội ở một số nước trong quản lý tài sản công tại các cơ quan Nhà nước, TS. Lê Đăng Khoa, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội kiến nghị, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phân định rõ những loại tài sản công được giao cho các cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý, sử dụng. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra, giám sát của Quốc hội đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế vận hành hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc kê khai, quản lý tài sản công; Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách của Quốc hội nhằm theo dõi, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công của các cơ quan Trung ương và địa phương;…

Ở góc tiếp cận khác, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hiện có; Hoạt động giám sát cũng cần tập trung vào các hình thức giám sát thiết thực như giám sát theo chuyên đề và giám sát thông qua chất vấn; Chú trọng việc giám sát theo các tiêu chuẩn, định mức tài sản đã được quy định và hướng tới việc giám sát quản lý, sử dụng tài sản công có đạt hiệu quả thiết thực cho nhà nước, cho cộng đồng hay không; Cần lựa chọn vấn đề thời điểm tiến hành giám sát, đội ngũ nhân sự đủ khả năng đảm nhiệm công tác giám sát chuyên đề; Xây dựng bộ tiêu chí giám sát tối cao đánh giá việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công trong Hệ thống tiêu chí đánh giá việc quản lý tài sản công và tổ chức thực hiện việc đánh giá định kỳ hàng năm; …

Kết luận Hội  thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu thảo luận, tham luận của các chuyên gia, đại biểu tham dự. Khẳng định, hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị thực tiễn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, các đề xuất, kiến nghị sẽ được Ban Chủ nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu nhằm hoàn thiện Đề tài khoa học "Giám sát của Quốc hội trong Quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương: Thực trạng và Giải pháp". Đồng thời, đây cũng nguồn thông tin, luận cứ khoa học hữu ích nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực này./.

Lê Anh