TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI)

05/04/2022

Sáng 05/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)” nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tọa đàm.

 

Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn Lâm, Ủy ban Quản lý vốn, Viện Dầu khí, Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập đoàn dầu khí Việt Nam,…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 06 tháng 7 năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí. Một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác,…

Từ yêu cầu của thực tiễn cùng với nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, bối cảnh mới đòi hỏi cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, ...

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các Hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực).

Nội dung của dự án Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách: (1) về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; (2) quy định về điều tra cơ bản quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; (3) quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; (4) quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; (5) quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; (6) quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam

Thảo luận tại tọa đàm, các chuyên gia đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí. Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, đồng thời quán triệt sâu sắc và toàn diện tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về sự phát triển ngành dầu khí.

Góp ý vào dự thảo luật, TS.Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, trong Điều 1 (phạm vi điều chỉnh) không cần thiết tách ra hai khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí”’ mà nên quy định rõ ràng, mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho việc quán triệt và thực thi luật. Ngoài ra, cần làm rõ, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng rõ ràng, tránh quy định định tính.

“Một số chương, điều của dự thảo Luật đề cập đến những lĩnh vực được các luật khác điều chỉnh cần bổ sung, đối chiếu, dẫn chiếu cụ thể để tiện áp dụng….”, TS.Nghiêm Vũ Khải lưu ý.

Liên quan đến Hợp đồng dầu khí, Luật sư, TS.Phạm Liêm Chính cho rằng, Chương III của dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã khái quát được những nét cơ bản của một bản hợp đồng dầu khí, thể hiện quyền và nghĩa vụ của một bên là công ty dầu khí nước ngoài (tức nhà thầu hay nhà đầu tư) và bên kia là nước chủ nhà (hay nước tiếp nhận đầu tư). Tuy nhiên, theo Luật sư, TS.Phạm Liêm Chính đề xuất cần nêu rõ khái niệm Hợp đồng phân chia sản phẩm.

Về nội dung này, theo Luật sư, PGS.TS Võ Trí Hảo cần đặc biệt lưu ý đến các đặc thù khác biệt của hợp đồng Dầu khí. “Hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí khác với hợp đồng thương mại thuần túy ở chỗ: dầu khí là tài nguyên quốc gia, của cải của dân tộc; dầu khí khai thác trên biển Đông cho nên liên quan đến Luật quốc tế và dầu khí liên quan đến tài nguyên môi trường ”, Luật sư, PGS.TS. Võ Trí Hảo nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học còn cho ý kiến về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán, xử lý chi phí hoạt động dầu khí; quy định về quản lý nhà nước về dầu khí; trình tự, thủ tục phê duyệt triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí,…

Kết luận tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh giá trị thông tin từ tọa đàm có ý nghĩa lý luận cũng như thực tiễn cao, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, xây dựng báo cáo đầy đủ, toàn diện nhằm phục vụ việc cho ý kiến đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 4/2022) và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Quang cảnh Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Bà Trần Thái Ninh, Phó Trưởng ban Quản lý hợp đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phân tích về thực trạng triển khai hoạt động dầu khí ở Việt Nam và đưa ra 06 nhóm kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật

TS.Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, một số chương, điều của dự thảo Luật đề cập đến những lĩnh vực được các luật khác điều chỉnh cần bổ sung, đối chiếu, dẫn chiếu cụ thể để tiện áp dụng

PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Hiệp hội Kiểm toán Việt Nam, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Đại diện Viện Dầu khí cho biết trình bày thông lệ quốc tế về mô hình hoạt động của Công ty Dầu khí Quốc gia và một số chính sách pháp luật cơ bản liên quan đến dầu khí

PGS.TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật- ĐHQGHN đặt vấn đề cần xác định rõ hợp đồng dầu khí là hợp đồng hành chính hay hợp đồng thương mại. Việc xác định đúng sẽ liên quan đến cách thức tiếp cận và áp dụng

TS.Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh giá trị thông tin từ tọa đàm có ý nghĩa lý luận cũng như thực tiễn cao, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, xây dựng báo cáo đầy đủ, toàn diện nhằm phục vụ việc cho ý kiến đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 4/2022) và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022)./.

Lê Anh - Minh Hùng