Chủ trì Hội thảo có: Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam.
Tham dự Hội thảo gồm: Đại diện các Chi hội luật gia Bộ, Ban, ngành Trung ương; các cơ quan, tổ chức có ký kết Chương trình phối hợp; các đơn vị trực thuộc Trung ương; các luật gia là chuyên gia, nhà khoa học; Hội Luật gia các tỉnh, thành phố và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Hội thảo được diễn ra trong 02 buổi (sáng 28/02 và sáng 01/3), bàn về cấu trúc Luật Đất đai, các định nghĩa và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi; kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quản lý và sử dụng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và những vấn đề góp ý cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi...
Cùng với đó là một số nội dung khác như: Bàn về quyền của người dân và cộng đồng dân cư trong quản lý và sử dụng đất đai, những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi; tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án Luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là nội dung đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ trình bày tham luận “Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”; tham luận của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai năm 2013 và các Luật khác có liên quan và những vấn đề góp ý sửa đổi trong dự thảo; tham luận của ThS. Bùi Hồng Nhung - Khoa pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội với chủ đề bàn về các quyền của tổ chức kinh tế sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi...
Đối tượng lấy ý kiến là các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan Trung ương và địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; các chủ thể sử dụng đất và các chủ thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho chủ thể sử dụng đất như: Các nhà nghiên cứu, Luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý...
Tiếp nối thành công của hai Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất" ngày 30/9/2022; hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với chủ đề "Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất” diễn ra ngày 18/10/2022, hai Hội thảo lần này Viện Nghiên cứu lập pháp và Hội Luật gia Việt Nam nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các hội viên giàu kinh nghiệm đến từ các Chi hội Luật gia của các bộ ngành ở Trung ương để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi);...
Dự án luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV (vào tháng 10/2022) và theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (sau khi cho ý kiến lần đầu, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, thảo luận lần thứ 3 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023)./.