Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
TS.Lê Hải Đường nhấn mạnh, trong các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó có một số hoạt động giám sát liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, công tác giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. Từ hoạt động giám sát đã có những đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, đặc biệt đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quả lý, sử dụng tài sản công;… Tuy nhiên, trong nội dung cũng như phương thức giám sát, việc thực hiện kết quả giám sát trong quản lý tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được chỉ rõ để khắc phục.
Tại hội thảo các chuyên gia đã tập trung làm rõ nội dung, phương thức Quốc hội giám sát quản lý tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở trung ương; quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương;...
Trên cơ sở phân tích thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý tài sản công trong các cơ quan nhà nước ở trung ương cũng như thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương, các chuyên gia đã chỉ rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương. Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở Trung ương./.