HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
NHIỀU NỘI DUNG MỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự hội thảo có, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Hành chính Quốc gia,…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và nội dung thông báo tại các văn bản có liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Ngày 28/02/2023, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, trong đó đề nghị bổ sung dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Cùng ngày, Chính phủ có Tờ trình số 48/TTr- CP và Báo cáo số 49/BC-CP về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội.
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu mở đầu Hội thảo.
Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn, cụ thể đối với các vấn đề trọng tâm, cơ bản của dự thảo Luật. Trong đó, lưu ý các vấn đề quy định về: Quy tắc giao thông đường bộ; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…
Sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tiễn
Báo cáo tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.
Việc xây dựng và ban hành hai Luật là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Liên quan đến bố cục, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nêu rõ, Dự thảo Luật gồm 08 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn gia thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể: So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân; Cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông;…
Các đại biểu dự Hội thảo.
Tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm đáp ứng đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi, vận động, phát triển của xã hội để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Tán thành với việc sớm xây dựng, ban hành Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, dự luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về an toàn, giao thông đường bộ trong những năm qua.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Đồng tình với quan điểm này, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng cho rằng, phương án tách riêng thành hai Luật như Chính phủ đã chuẩn bị là phù hợp. Bởi vì, tuy có quan hệ với nhau, nhưng mỗi luật đều có phạm vi điều chỉnh riêng, và đề nghị việc xây dựng hai luật này phải bảo đảm trong mối liên kết chặt chẽ, cần lưu tâm xử lý mối quan hệ “Đường an toàn và lưu thông an toàn; Phương tiện giao thông an toàn” trong dự án luật này, ít nhất thì cũng phải có những nguyên tắc cơ bản.
Quy định cần cụ thể, bao quát đầy đủ các tình huống trong thực tiễn
Góp ý vào những quy định chung của dự thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến kiến nghị, việc giải thích khái niệm như dự thảo về “Đường ưu tiên” là chưa rõ, khó hiểu; việc quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định cơ quan chịu trách nhiệm chính như dự thảo luật là chưa đầy đủ, chưa hợp lý;… Ngoài ra, đề xuất bổ sung quy định rõ tổ chức, cá nhân phối hợp với cơ quan, cá nhân nào để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về việc đền bù, chế độ, chính sách cho người bị thương, tổn hại sức khỏe, hoặc bị chết khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngay trong Luật này.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe, sử dụng làn đường,…
Liên quan đến quy định về Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa “Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” và “cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính”. Theo điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, có nhiệm vụ, quyền hạn: Theo dõi chung và báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
TS.Hoàng Thị Ngân cũng kiến nghị, Dự thảo nên làm rõ vị trí pháp lý của Trung tâm, tính chất của loại tổ chức này, chế độ quản lý và quy chế pháp lý của sát hạch viên làm cơ sở cho việc quy định chi tiết.
Lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường đang được quan tâm, thực tế phương tiện không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường chưa được quy định rõ và chưa có chế tài, chưa được xử lý nghiêm khắc, các đại biểu kiến nghị Dự thảo cần quy định cụ thể về bảo vệ môi trường của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ, chế tài xử lý, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cũng tại hội thảo, các ý kiến còn đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe, sử dụng làn đường,… Theo đó, các chuyên gia nhấn mạnh, quy định cần bao quát đầy đủ tình huống theo thực tế, tránh gây tranh cãi khi áp dụng.
TS.Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu bế mạc Hội thảo.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý toàn diện, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, kết quả của hội thảo sẽ được nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ, trở thành nguồn thông tin tham khảo quý báu phục vụ quá trình thẩm tra, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự hội thảo có, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Hành chính Quốc gia,…
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu khai mạc hội thảo.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến tán thành với việc sớm xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy an An toàn giao thông Quốc gia cho ý kiến tại Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị Dự thảo cần quy định cụ thể về chế tài xử lý, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoan, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu tại hội thảo.
TS.Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu bế mạc Hội thảo.