LÀM RÕ HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Sáng ngày 14/4, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Tình hình thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp: Thực trạng và giải pháp. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn và một số chuyên gia.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức dựa trên việc thực hiện Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2022 của Đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” do Ths.Phạm Ngọc Lâm - Vụ trưởng, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm chủ nhiệm đề tài.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết: Ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015. Sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại DNNN; các cơ chế, chính sách đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi. Quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn qua rà soát còn có một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải được sửa đổi cho phù hợp với các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng cơ cấu lại DNNN; đồng thời việc sửa đổi cũng để điều chỉnh kịp thời với sự thay đổi phát triển của thực tiễn xã hội về loại hình DNNN.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường.
Do vậy, cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để phù hợp với các chính sách mới, phù hợp với thực tiễn xã hội. Việc sửa đổi theo hướng hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm cho việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước đúng mục đích, đúng đối tượng.
Với những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào những vấn đề còn đang vướng mắc, khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp để thực hiện, sử dụng nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến về về việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn; Điều chỉnh cơ cấu đầu tư vốn Nhà nước; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công Thương); chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường do tác động của yếu tố thương mại để thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp chưa chủ động và đa dạng hóa được thị trường, chủ yếu sử dụng thị trường truyền thống. Do đó, không gia tăng được sản phẩm, giá trị gia tăng, doanh thu, lợi nhuận, việc làm.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm về giải pháp để quản lý doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn của Nhà nước một cách hiệu quả.
Ngoài ra, việc quản lý vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại. Việc tách bạch giữa vai trò sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước chưa đầy đủ. Chính sách phát triển ngành còn đan xen với chính sách chủ sở hữu của Nhà nước. Đầu tư Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ các thành phần kinh tế còn đan xen với đầu tư vốn chủ sở hữu Nhà nước cho doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Hệ quả là khó xây dựng khuôn khổ quản trị rõ ràng cho doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước như khu vực tư nhân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước đã áp dụng pháp luật kinh doanh và pháp luật cạnh tranh như các doanh nghiệp khác nhưng việc thực thi chưa nghiêm và những ưu đãi trên thực tế cho doanh nghiệp nhà nước đang là rào cản để doanh nghiệp nhà nước đáp ứng chuẩn mực quản trị hiện đại.
Mặt khác, hệ thống quy định của pháp luật chưa quy định đầy đủ về việc giám sát cơ quan chủ sở hữu. Hiệu quả quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu và trách nhiệm nâng cao giá trị vốn Nhà nước là những vấn đề chưa được thường xuyên xem xét, đánh giá và công bố công khai. Do thiếu cơ chế giám sát, đánh giá thường xuyên đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu nên không tạo được áp lực cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) phải quản lý vốn nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, trách nhiệm giám sát doanh nghiệp nhà nước còn phân tán cho nhiều cơ quan, thiếu sự thống nhất. Không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp nhà nước một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.
Với những bất cập trên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đề xuất, Ban soạn thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đề xuất sửa đổi theo hướng điều chỉnh cơ cấu đầu tư vốn Nhà nước theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp của nhà nước cho các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh. Tập trung các nguồn vốn đầu tư nhà nước để xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, đô thị, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Ngoài ra là cần tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Chủ sở hữu nhà nước thực hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, vốn góp của nhà nước theo cách thức chuyên nghiệp, chuyên trách, có hiệu lực và hiệu quả; đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, việc hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cần theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước; Rà soát, tiếp tục mở rộng đối tượng chuyển giao doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC, tiến tới mô hình các Bộ, cơ quan ngang Bộ không thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm toàn diện về việc giám sát doanh nghiệp nhà nước, về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Phạm Đức Trung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đóng góp ý kiến.
Đề cập về sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Luật số 69/2014/QH13, ông Phạm Đức Trung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp có ý kiến với cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật tiếp tục quy định rõ hơn các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, bao gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, thành viên hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp trên nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu không quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành và quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó: Nghiên cứu, sửa đổi quy định về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DNNN là công ty TNHH một thành viên tương tự như quyền của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần nhằm hạn chế việc cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thực hiện trách nhiệm ban hành các quyết định thuộc lĩnh vực điều hành kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là nghiên cứu, bổ sung các các quy định hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo hướng phân cấp mạnh mẽ quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, tài chính doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ quy định pháp luật để xác định rõ cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Quy định hướng cụ thể Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định có liên quan của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp).
Ths.Phạm Ngọc Lâm -Vụ trưởng, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung Hội thảo.
Phát biểu kết luận nội dung Hội thảo, Ths.Phạm Ngọc Lâm - Vụ trưởng, Thư ký Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm chủ nhiệm đề tài trên đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia. Những ý kiến tập trung vào các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh; Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong sử dụng nguồn vốn của Nhà nước; Đề xuất có những giải pháp áp dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính, công nghệ thông tin vào thúc đẩy sản xuất, sự sáng tạo của doanh nghiệp...
Với những kiến nghị, góp ý điều chỉnh Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp hay những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để có những đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét. Dự kiến, dự án sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, nếu đủ điều kiện thì có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 7/2023./.