HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ THÚC ĐẨY BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH PHÁT TRIỂN

17/09/2023

“Trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, góp phần tháo gỡ các vướng mắc hiện nay,...” là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia kiến nghị tại Hội thảo "Bất động sản du lịch – Lý luận và thực tiễn" do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức vừa qua.

HỘI THẢO KHOA HỌC "BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH - LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN"

Toàn cảnh Hội thảo

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Chủ nhiệm đề tài Vũ Văn Huân đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan liên quan, đại diện các trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp cùng các chuyên gia, nhà khoa học,…

Phát biểu khai mạc, TS.Lê Hải Đường cho biết, thị trường bất động sản có sức hút lớn và rất quan trọng trong việc kích thích kinh tế phát triển, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong những năm qua, pháp luật của kinh doanh bất động sản đã được ban hành như Luật đất đai 2013, Luật kinh doanh bất động sản 2014, Luật du lịch 2017,…  Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về kinh doanh bất động sản ở nước ta và thực tế việc đầu tư, phát triển bất động sản du lịch còn tồn đọng rất nhiều vấn đề cần giải phải quyết triệt để.

Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Lê Hải Đường nhấn mạnh: "Du lịch" là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của đất nước. Bất động sản du lịch vừa là cơ sở kinh doanh, vừa là tài sản để thu hút vốn đầu tư và sinh lợi nhuận. Nhưng hiện nay, việc kinh doanh, phát triển bất động sản du lịch còn nhiều vấn đề tồn đọng...

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp

Hệ thống chính sách pháp luật về phát triển kinh doanh bất động sản chưa theo kịp với thực tế

Qua thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học tán thành với ý kiến của TS.Lê Hải Đường cho rằng trong thời gian qua, nhiều luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… và một số luật đang được tiếp tục sửa đổi. Hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về phát triển kinh doanh bất động sản chưa theo kịp với thực tế. Điều này khiến chính quyền tại nhiều địa phương cũng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong quản lý, đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản du lịch.

Vì vậy, tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận và cho ý kiến về: Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển và kinh doanh bất động sản và căn hộ du lịch ở Việt Nam hiện nay; Hoàn thiện quy định về bất động sản căn hộ du lịch (Condotel) ở Việt Nam hiện nay; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển bất động sản du lịch,…

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Góp ý tại hội thảo, liên quan đến vấn đề toàn cảnh kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam, các nhà khoa học đều nhất trí rằng thị trường bất động sản du lịch là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, đặc biệt là nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế bùng nổ sau đại dịch covid-19. Và để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam phát triển, trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong cả nước, phải có sự nhận định đúng đắn về vai trò của bất động sản du lịch. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà đầu tư bất động sản nên xây dựng một số loại hình du lịch phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện nay.

Chia sẻ về các xu hướng phát triển du lịch hiện nay, chuyên gia Phạm Thị Yến - trường Đại học Công nghệ Đông Á, cho biết, có hai xu hướng chủ yếu: Theo hướng đa tiện ích, không chỉ đơn thuần du lịch như trước mà còn trải nghiệm, khám phá; Hoặc xu hướng đầu tư, phát triển bất động sản du lịch gắn với các thương hiệu cao cấp.

Nhận định đây có thể là xu hướng phát triển tiềm năng ở Việt Nam, chuyên gia Phạm Thị Yến cho rằng, giá thành của những đầu tư bất động sản này thường rất cao (gấp khoảng 3, 4 lần) và cũng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh với bất động sản du lịch tại các dự án Luật sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất

Về vấn đề vấn đề pháp lý cho bất động sản du lịch, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, “phần lớn các vướng mắc, các bất cập hiện nay của bất động sản du lịch chính là liên quan đến pháp lý”. Tán thành với ý kiến này, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện việc khung pháp lý là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Theo đó, nên bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, hình thức bất động sản du lịch. Các chuyên gia cũng đưa ra những góp ý cụ thể vào một số quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),…

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Cũng tại hội thảo, vấn đề mục đích sử dụng bất động sản du lịch được các nhà khoa học nhấn mạnh là khác biệt với nhà ở thông thường nên chỉ nên cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn đối với loại hình bất động sản này. Ngay cả bất động sản du lịch hình thành trên đất có quyền sử dụng lâu dài, thì tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ nên cho phép cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn. Như vậy sẽ tránh được tình trạng dự án bất động sản du lịch được bán như dự án nhà ở và tránh gây nhầm lẫn cho người dân như hiện nay.

Bên cạnh đó, theo ThS.Lưu Trần Phương Thảo, cần hoàn thiện cơ chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, phải hoàn tất xây dựng các điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoàn thiện sử dụng đất, và đối với các dự án Condotel đã hoàn thiện mà chưa có điều kiện cấp giấy chứng nhận thì cơ quan nhà nước cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như người mua. Đồng ý với ý kiến trên, một số chuyên gia cho rằng với quy định rõ ràng như vậy, các nhà đầu tư sẽ yên tâm khi quyết định đầu tư với những dự án này.

Kết thúc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, đóng góp hữu ích của các chuyên gia và các nhà khoa học, qua đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, hiệu quả, đáp ứng những yêu cầu khách quan của thực tiễn đặt ra đối với bất động sản du lịch Việt Nam./.

Ngọc Thúy - Lê Anh