HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, do TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì.
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan liên quan, cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường; Hiệp hội bất động sản Việt Nam;…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện. Dự kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25 (8/2023) và được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (10/2023).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, kết quả hội thảo sẽ là nguồn thông tin khoa học tham khảo quý báu trong quá trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trước khi thông qua dự luật.
TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản cập nhật gồm 263 điều, 16 chương và gồm 212 trang. Tại bản dự thảo, dù số lượng chương và điều vẫn giữ nguyên so với dự thảo tháng 6/2023, tuy nhiên các nội dung chỉnh sửa chi tiết hơn, thể hiện sự khoa học trong việc chọn lọc các từ ngữ, thuật ngữ phù hợp, chuẩn xác, tăng tính logic kết nối, logic giữa các chương, các cấu phần và giữa các điều khoản.
Tại hội thảo các chuyên gia tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, đặc biệt là một số điều đang dự thảo đưa ra 2 phương án như: định giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;... Ngoài ra, các chuyên gia cũng góp ý vào quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành và nguyên tắc áp dụng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua thảo luận, các chuyên gia ghi nhận nhiều nội dung được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các ý kiến lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát một cách cẩn trọng, đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi của các quy định được sửa đổi.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Về phương pháp định giá đất, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có quy định các nội dung về nguyên tắc, ý chính, quan trọng, các cách tiếp cận/phương pháp tính giá đất trong Luật, còn những nội dung cần “cụ thể hóa”, chi tiết hóa, có thể giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Theo đó, cần chuẩn hóa nội hàm, phạm vi, khả năng áp dụng của các phương pháp định giá đất theo đúng bản chất khoa học, khả thi và phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như bối cảnh của Việt Nam.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực nên bỏ quy định cố định việc áp dụng phương pháp định giá đất cho từng trường hợp cụ thể/nhóm đất cụ thể; nên có phương pháp thặng dư vì đây là phương pháp khá ưu việt đối với định giá đất gắn với mục đích sử dụng và giá trị tạo ra trong tương lai; tăng chế tài đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng;…
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 60), TS. Cấn Văn Lực đề nghị, nên chọn phương án 2 tại dự thảo Luật: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch cấp thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì thực hiện như sau:…. “Phương án này hợp lý hơn, ưu điểm rõ hơn, còn về nhược điểm lo chậm tiến độ thì có khả năng khắc phục được”, TS. Cấn Văn Lực lý giải.
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, phương án 2 khắc phục được bất cập của Phương án 1. Đồng thời, phương án 2 đã đưa ra giải pháp xử lý cụ thể đối với trường hợp khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì thực hiện như sau: (1) Trường hợp chưa thực hiện hết các chỉ tiêu thì được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; (2) Trường hợp đã thực hiện hết chỉ tiêu thì quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh nội dung và thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt”.
PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia bày tỏ băn khoăn về thông tin đầu vào để xác định giá đất theo phương pháp định giá đất. TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc quy định cứng chỉ được sử dụng cơ sở dữ liệu về đất đai hoặc giá trên hợp đồng, giá trúng đấu giá sẽ giảm khả năng linh hoạt của các phương pháp định giá đất cụ thể và đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Vì vậy, TS. Đậu Anh Tuấn đề nghị cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hoặc người thực hiện định giá đất (định giá viên, thành viên Hội đồng định giá đất) nhận thấy giá trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai chưa đảm bảo nguyên tắc thị trường thì được quyền thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát.
Ngoài ra, TS. Đậu Anh Tuấn đề nghị cân nhắc quy định điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư như quy định hiện hành, tức là “Phương pháp thặng dư được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tiềm năng phát triển do thay đổi quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi xác định được tổng doanh thu phát triển giả định và tổng chi phí ước tính”.
Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những nội dung, ý kiến, đề xuất sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, tiếp thu tối đa trở thành nguồn thông tin khoa học quý báu phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua dự luật.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo
Ông Đỗ Văn Thành Công, Trung tâm NCPLKT-XH, Viện Nghiên cứu lập pháp
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế
PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI)
Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia tư vấn pháp lý, bất động sản, Hiệp hội bất động sản Việt Nam
Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Luật sư Phạm Anh Tuấn góp ý tại Hội thảo
Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những nội dung, ý kiến, đề xuất sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp tổng hợp, tiếp thu tối đa trở thành nguồn thông tin khoa học quý báu phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua dự luật./.