VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP - NHỮNG CỐNG HIẾN THẦM LẶNG

31/01/2019

Năm 2018, năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, cũng là năm bản lề trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra; để lại dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Tạo nên thành công đó có một phần đóng góp thầm lặng của Viện Nghiên cứu lập pháp, cơ quan có chức năng tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội t

Hội nghị Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp và tổng kết công tác năm 2018

Viện nghiên cứu lập pháp được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 614 ngày 29/4/2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII. Sau hơn 7 năm thành lập, ngày 09/10/2015, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 1050 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu lập pháp thay thế Nghị quyết số 614. Theo đó: Viện nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

 Viện nghiên cứu lập pháp hiện có 83 cán bộ công chức, viên chức và người lao động do TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách đứng đầu đơn vị. Cơ cấu tổ chức của Viện gồm 05 đơn vị cấp vụ trực thuộc và 19 phòng chuyên môn. Năm 2018, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu lập pháp đã nỗ lực cơ bản hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong đó tập trung vào nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Tại hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập và tổng kết hoạt động năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Viện Nghiên cứu lập pháp trong thời gian qua đối với hoạt động Quốc hội, đối với khoa học lập pháp, thông tin lập pháp. Viện được tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số Bộ, ngành liên quan triển khai chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đề tài là cơ sở lý luận, thực tiễn sửa đổi, bố sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phục vụ trực tiếp, kịp thời trong quá trình xây dựng Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo biên soạn thành sách và vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản công nhận là tác phẩm đạt giải 2 trong toàn quốc. Đây là công trình có đóng góp to lớn của tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và tổng kết hoạt động năm 2018 của Viện Nghiên cứu lập pháp

 Công tác nghiên cứu khoa học

Năm 2018, trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Viện nghiên cứu được 24 chuyên đề nghiên cứu khoa học, 26 chuyên đề thông tin khoa học phục vụ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và 6; phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ và theo yêu cầu đóng góp ý kiến vào dự án Luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các chuyên đề đã được rà soát, thẩm định qua nhiều cấp xét duyệt. Tất cả ý kiến góp ý, yêu cầu chỉnh sửa ở từng cấp đều đã được Viện nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện, bảo đảm chuyên đề cung cấp có chất lượng, tính thời sự, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện nghiên cứu thông qua việc tổ chức Hội thảo, Tọa đàm. Năm 2018, Viện đã triển khai hợp tác với: Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Quỹ Rosa Luxemburg  của Cộng hòa liên ban Đức tổ chức 06 hội thảo, như: Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)”; Hội thảo “Những điểm mới của bộ luật hình sự năm 2015; Hội thảo “Quy định của pháp luật về Hợp đồng lao động: những vấn đề lý luận và thực tiễn”,....

Hội thảo Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam 

Hội thảo Quy định của pháp luật về hợp sống lao động thực trạng và khuyến nghị

Ngoài ra, Viện còn chủ trì, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, buổi sinh hoạt khoa học. Đây là những hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai nghiên cứu năm 2018 của các Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ. Năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức của Viện đã trực tiếp làm chủ nhiệm, triển khai nghiên cứu và đã nghiệm thu chính thức 05 đề tài khoa học cấp bộ; 18 đề tài khoa học cấp. Năm 2018, cán bộ, công chức, viên chức của Viện đã trực tiếp làm chủ nhiệm, triển khai nghiên cứu và đã nghiệm thu chính thức 05 đề tài khoa học cấp bộ; 18 đề tài khoa học cấp cơ sở.

Cũng trong công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã Hợp tác với Quỹ Rosa Luxemburg xuất bản 02 sách, gồm: Sách “Pháp luật phòng chống tham nhũng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (đã tái bản 01 lần); và Sách “Lao động, việc làm, công đoàn, an sinh xã hội – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Ngoài việc biên soạn các chuyên đề phục vụ kỳ họp, Viện vẫn duy trì việc tiếp nhận và trả lời theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ở cả trong và ngoài kỳ họp. Trong kỳ họp Quốc hội và tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện đã phân công cán bộ tham dự kỳ họp hoặc phiên họp để nắm bắt kịp thời những vấn đề mới, những vấn đề đang được đại biểu Quốc hội quan tâm. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiên cứu bổ sung, nhanh chóng cung cấp thông tin hỗ trợ đại biểu Quốc hội. Cùng với việc bám sát hoạt động tại kỳ họp/phiên họp, Viện đã cử cán bộ tham dự các cuộc họp thẩm tra dự án Luật do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; cử chuyên viên tham gia gỡ băng ghi âm các buổi thảo luận ở tổ của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp. Các yêu cầu của đại biểu Quốc hội đã được Viện xử lý kịp thời, bảo đảm về thời gian và chất lượng, góp phần hỗ trợ đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào dự án luật và các hoạt động khác của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2018

Đánh giá cao hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2018, bà Nguyễn Thanh HảiTrưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: Thông qua hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã gián tiếp hỗ trợ vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

 Công tác biên tập, xuất bản Tạp chí

Tạp chí đã xuất bản 24 số Tạp chí, tất cả bài viết đã đăng đều bảo đảm có nội dung bám sát Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm phục vụ tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, dự án Luật và các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Để bảo đảm chất lượng bài viết đăng trên Tạp chí, Tạp chí đã sàng lọc, liên hệ và trao đổi trước với chuyên gia viết bài để định hướng về nội dung, bảo đảm bài viết đáp ứng được chủ đề của từng số Tạp chí (trung bình 30 bài/tháng). Theo thống kê, đến tháng 11/2018, Tạp chí đã tiếp nhận được hơn 400 bài viết của các tác giả ở trong và ngoài nước. Trong số đó, đã ghi nhận sự tham gia viết bài của những tác giả là cán bộ, công chức, viên chức của Viện. Trong bối cảnh phải cạnh tranh với 43 Tạp chí khoa học khác trong lĩnh vực nghiên cứu về pháp luật, việc có được ngân hàng bài viết phong phú, cùng với liên tục mở rộng được đối tượng cộng tác viên như hiện nay đã khẳng định được vị trí, uy tín và tầm ảnh hưởng của Tạp chí trước độc giả.

Công tác quản lý khoa học

Năm 2018, Viện tổ chức Hội đồng tư vấn tuyển chọn cho 29 đề tài cấp bộ và 09 đề tài cấp cơ sở; tiến hành thẩm định sản phẩm trung gian của 15 đề tài cấp bộ 2016-2017; sản phẩm trung gian của một số đề tài cấp bộ 2017-2019; sản phẩm trung gian của 28 đề tài cấp cơ sở 2017-2018; đến tháng 11/2018, Viện đã tổ chức nghiệm thu chính thức đối với 13 đề tài khoa học cấp bộ; 24 đề tài khoa học cấp cơ sở; thực hiện thanh lý và quyết toán đối với 15 đề tài cơ sở và 05 đề tài cấp bộ. Viện đã thực hiện các giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý; tăng cường chất lượng các Hội đồng nghiệm thu, việc thanh quyết toán đề tài có bước đổi mới, gắn với tăng cường trách nhiệm của Chủ nhiệm đề tài và các đơn vị chức năng trong công tác quản lý.

Như vậy năm 2018 đã kép lại, cũng là năm đánh dấu 10 năm kỷ niệm thành lập Viện; với nỗ lực, quyết tâm cùng tinh thần chủ động, sáng tạo Tập thể lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp đã khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào thành công chung của Quốc hội. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu nổi bật năm 2018 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm được triển trong năm 2019. Mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam với PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

PGS. TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp

Phóng viên: Cảm ơn, Phó Viện trưởng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Thưa ông, với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong năm 2018 vừa qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

PGS. TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Năm 2018 là năm có nhiều khó khăn, thử thách đối với tổ chức và hoạt động của Viện nhưng tập thể Lãnh đạo và người lao động trong Viện đã tích cực, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả trong đó có một số kết quả nổi bật như:

Năm 2018, Viện nghiên cứ được 24 chuyên đề nghiên cứu khoa học, 26 chuyên đề thông tin khoa học để phục vụ 2 kỳ họp Quốc hội; đã xây dựng 05 báo cáo chuyên đề theo yêu cầu nhiệm vụ của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã xuất bản 24 số. Đến tháng 11/2018, Tạp chí đã tiếp nhận được hơn 400 bài viết của các tác giả ở trong và ngoài nước.

Trong công tác quản lý khoa học: Viện đã tổ chức nghiệm thu chính thức đối với 15 đề tài khoa học cấp bộ, 24 đề tài khoa học cấp cơ sở; thực hiện thanh lý và quyết toán đối với 15 đề tài cơ sở và 05 đề tài cấp bộ; Tổ chức Hội dồng tư vấn tuyển chọn các đề tài mới; thẩm định sản phẩm trung gian các đề tài cấp bộ và cấp cơ sở đang thực hiện; tổ chức các hội đồng kiểm tra, đánh giá tiến độ đối với các đề tài năm 2017…

Đổi mới quy trình thanh lý hợp đồng và thanh quyết toán nhiệm vụ khoa học: Viện đã thực hiện các giải pháp tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý, thông báo danh mục các đề tài, các quy trình quản lý khoa học lên cổng Thông tin điện tử Văn phòng quốc hội; tăng cường chất lượng các Hội đồng nghiệm thu;…

Đặc biệt, trong năm 2018, Viện đã xây dựng nhiều đề án nhằm hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện như: Xây dựng đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Viện Nghiên cứu lập pháp, xây dựng Đề án tự chủ về cơ chế tài chính của Viện giai đoạn 2019-2021; Xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội;…

Phóng viên: Có thể thấy nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp khá nặng nề và các hoạt động gắn liền với nhiệm vụ ấy cũng rất thầm lặng. Phó Viện trưởng  có thể chia sẻ một vài ví dụ tiêu biểu trong công tác nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin có tác động tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của Quốc hội?

PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Thông qua các hoạt động đa dạng và bằng nhiều hình thức khác nhau, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có những đóng góp nhất định vào thành công chung của Quốc họi trong hoạt động lập pháp. Có thể nhắc đến một vài hoạt động điển hình như:

Viện Nghiên cứu lập pháp vinh dự được giao nhiệm vụ giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48 –NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Quá trình sơ kết đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đánh giá tổng quát quá trình thực hiện và đề ra giải pháp, phương hướng để Bộ Chính trị tiếp tục lãnh đạo công tác lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để định hình Chương trình xây dựng pháp lệnh theo nhiệm kỳ và trong từng năm của Quốc hội.

Một đóng góp cũng hết sức quan trọng của Viện là trong quá trình soạn thảo Hiến pháp 2013, Viện được giao làm đầu mối giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992 trong các cơ quan của Quốc hội; Viện đã tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học và cung cấp nhiều thông tin khoa học phục vụ Tổ biên tập và Quốc hội xây dựng và thông qua Hiến pháp 2013 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

Trong hoạt động lập pháp, đối với hầu hết các Dự án Luật, Viện đều có nghiên cứu và đưa ra những ý kiến khoa học gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội phục vụ quá trình thảo luận, thẩm tra, xem xét cho ý kiến và thông qua Dự án luật. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Viện đã tổ chức các Hội thảo quốc tế và trong nước, cung cấp thông tin để sửa đổi Bộ Luật lao động và Luật Quảng cáo. Đóng góp đáng kể của Viện là đã giúp cho Quốc hội có cơ sở khoa học để quyết định tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng; quy dịnh cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ đối với trẻ em dưới 24 tháng tuổi thay vì 12 tháng tuổi như trước đó và cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi… Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ bà mẹ, trẻ em, là cơ sở pháp lý để bảo vệ thiên chức làm mẹ của lao động nữ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ nhỏ có cơ hội phát triển ngay từ những tháng đầu đời. Qua việc sửa đổi, bổ sung này, Việt Nam trở thành điểm sáng, thể hiện rõ vai trò là quốc gia đầu tiên của Châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế và quyền trẻ em, khẳng định quan điểm nhất quán của Nhà nước ta trong việc quyết tâm thực hiện cam kết thực thi các công ước quốc tề về bảo vệ quyền của bà mẹ và trẻ em.

Viện cũng đã nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học, trả lời yêu cầu thông tin của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề phức tạp trong các Dự án luật như Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật Phòng chống tham nhũng;…

Cùng với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có những đóng góp tích cực đói với quá trình hội nhập của Quốc hội nước ta với Liên minh nghị viện thế giới, Liên minh nghị viện khu vực.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp luôn nhận thức được trách nhiệm của mình, đang tiếp tục nỗ lực để ngày càng đóng góp nhiều hơn cho hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa Phó Viện trưởng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp là một ấn phẩm uy tín, được giới chuyên gia đánh giá cao. Trong năm vừa qua Tạp chí đã có những đổi mới gì để cung cấp tới độc giả những bài viết chuyên sâu trong lĩnh vực như nhà nước và pháp luật?

PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp có bề dày 18 năm hình thành và phát triển. Đây là nguồn thông tin tin cậy, hữu ích và thân thuộc với các đại biểu Quốc hội và bạn đọc cả nước. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp được các nhà khoa học, các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đánh giá là một trong những Tạp chí hàng đầu về khoa học lập pháp và khoa học luật học của nước nhà.

Không nằm ngoài xu thế của các Tạp chí khoa học trên thế giới hiện nay, trong năm qua, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã có những bước đổi mới cơ bản về hình thức thể hiện, tiệm cận với tiêu chuẩn của Tạp chí khoa học quốc tế. Những bài viết trên Tạp chí đều có tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có từ khóa để giúp bạn đọc dễ tra cứu và cách trích dẫn, chú thích, tài liệu tham khảo đều được áp dụng theo tiêu chuẩn chung của Tạp chí khoa học quốc tế.

Song song với đổi mới về hình thức thể hiện, nội dung của Tạp chí luôn bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thể hiện tính phản biện cao. Những bài nghiên cứu đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu Lập pháp hướng tới phục vụ các chức năng cơ bản của Quốc hội như: chức năng lập pháp, chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, chức năng giám sát tối cao. Đặc biệt, năm nay Tạp chí chú trọng đăng tải những bài nghiên cứu liên quan tới các đạo luật lớn, quan trọng về con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, …. Ngoài ra, để tăng tính tương tác giữa các nhà khoa học và độc giả cả nước, cũng là đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin ngày càng cao, nhanh và hiệu quả trong thời kỳ công nghiệp 4.0 Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đang chú trọng phát triển Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử và coi đây là một trong những định hướng phát triển quan trọng trong thời gian tới.

Phóng viên: Với nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phát huy vai trò định hướng nhiệm vụ khoa học thực hiện trong các Cơ quan của Quốc hội, các Cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm bám sát hoạt động của Quốc hội như thế nào, thưa Phó Viện trưởng?

PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Trên cơ sở Luật Khoa học công nghệ năm 2013, Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13 ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội nói chung.

Để giúp Ủy ban Thường vụ Quó hội trong công tác quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu Lập pháp đã phát huy vai trò định hướng nhiệm vụ khoa học trong các cơ quan của Quốc hội nhằm bám sát hoạt động của Quốc hội thông qua các nội dung như:

Thứ nhất, về mặt thể chế pháp lý, Viện Nghiên cứu Lập pháp đã tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quố hội ban hành Nghị quyết số 497/NQ-UBTVQH 14 ngày 19/4/2018 về Định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (giai đoạn 2018-2021). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý, cũng như các cơ quan của Quốc hội nói chung tổ chức thực hiện.

Thứ hai, về mặt nội dung, có 05 nhóm nội dung lớn được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng nhiệm vụ khoa học giai đoạn tới, đó là: Những vanas đề lý luận và thực tiễn về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; nhữn vấn đề lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phương thức kiểm soát trực tiếp từ phía các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử;… Như vậy, những nội dung lớn này đã được Viện nghiên cứu Lập pháp tham mưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo hướng: quán triệt, thể chế hóa chủ trương của Đảng; xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; nhằm góp phần cung cấp tri thức, thông tin khoa học những vấn đề lý luận, thực tiễn mà Quốc hội đang xem xét, bàn thảo. Qua đó, giúp các cơ quan trong khối phục vụ hoạt động của Quốc hội nói chung tập trung tri thức, năng lực để triển khai thực hiện.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện: các nội dung được nêu trong Nghị quyết về Định hướng nêu trên là cơ sở để Viện nghiên cứu Lập pháp tổ chức triển khai công tác quản lý, từ khâu đề xuất nhiệm vụ, tập hợp, tổng hợp, rà soát, trình Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học, cho đến khâu công bố danh mục, tổ chức hội đồng tuyển chọn,…

Phóng viên: Trong năm 2019, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ cơ bản nào để tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội?

PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Để phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2019 Viện sẽ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Tiếp tục hoàn thiện các Đề án quy định, quy chế phục vụ hoạt động của Viện: Tiếp tục tham gia xây dựng Đề án về tổ chức cơ cấu bên trong của Viện cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện Đề án tự chủ về cơ chế tài chính của Viện giai đoạn 2019-2021 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2/2019.

Sau khi Đề án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Viện sẽ triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quy định; tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Viện nghiên cứu Lập pháp; tiếp tục xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý khoa học theo Nghị quyết 887; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Quy chế tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; xây dựng Đề án vị trí việc làm, Quy chế thi đua khen thưởng,…

Tăng cường mối quan hệ giữa Viện nghiên cứu lập pháp với Hội đồng Dân tộc , các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; Tăng cường cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế.

Tích cực mở rộng quan hệ với các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để khai thác thông tin, nâng cao năng lực nghiên cứu. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Viện và các cơ quan, đơn vị hữu quan; bảo đảm sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ vì mục đích chung trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị trong việc tổ chức lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin một cách thống nhất, đồng bộ, kịp thời cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Chủ động, tích cực mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường năng lực cho Viện.

Trong công tác nghiên cứu khoa học: Năm 2019, thực hiện nghiên cứu chuyên đề phục vụ bám sát theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; các chuyên đề phục vụ 2 kỳ họp Quốc hội; các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Trong công tác Quản lý khoa học: Thực hiện tốt việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quản lý khoa học theo đúng quy định của  Đảng và Nhà nước; Kiện toàn Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc  hội; Tiếp tục công tác phối hợp tốt với Văn phòng Quốc họi, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong công tác quản lý khoa học.

Công tác thông tin, thư viện, cập nhật dữ liệu: Viện tiếp tục biên soạn tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 7 và thứ 8; tiếp tục đổi mới công tác tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ thông tin từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc họi và Đại biểu Quốc hội; cập nhật nội dung thông tin cho Cổng thông tin điện tử riêng của Viện và Cổng thông tin điện tử chung của Quốc hội để từng bước đưa Cổng thông tin điện tử trở thành một trong những kênh truyền thông khoa học hiệu quả; Tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng của Tạo chí Nghiên cứu lập pháp.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, Phó Viện trưởng có điều gì muốn nhắn gửi tới cử tri cả nước?

PGS. TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp: Thay mặt tập thể Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp xin tri ân, trân tọng gửi lời cảm ơn chân thành nhất về sự động viên, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, về sự hợp tác và giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đơn vị hữu quan và các cơ quan thông tấn báo chí,

Viện Nghiên cứu lập pháp tin tưởng và hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự động viên, quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ quý báu của các đồng chí. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp xin hứa sẽ tiếp tục củng cố và phát triển để thực hiện tốt những nhiệm vụ được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

 Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt lãnh đạo Viện tôi xin được kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí và các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp, cử tri cả nước dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Phóng viên: Một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp TS.Lê Hải Đường và nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt Ban Biên tập xin được chúc Ông một năm mới sức khỏe, thành công, cùng với tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội.

Với những kết quả nổi bật trong năm 2018, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, Viện Nghiên cứu lập pháp đã âm  thầm góp phần “thổi” thêm luồng sinh khí mới, hoà nhịp trong sự phát triển chung của Quốc hội với phương châm “đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng”. Mong rằng, năm 2019, trên cở phát huy những kết quả đã đạt được, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội./.

 

Lê Anh