Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức Viện Nghiên cứu lập pháp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ts. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức thành công đại hội các Chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2020-2022, Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 -2025. Đảng ủy và Lãnh đạo Viện luôn găn bó, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao, kiên trì, kiên định về nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Viện theo đúng dịnh hướng, kế hoạch đã đề ra. Tập thể cán bộ, công chức, người lao động của Viện đã nỗ lực, cố gắng triển khai hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Kết quả đạt được thể hiện trên các mặt công tác, từ nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, quản lý hoạt động khoa học, biên tập và xuất bản Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, đến công tác tổ chức – tài chính – quản trị - hành chính – đối ngoại…. Đến nay, Viện cũng đã cơ bản khắc phục được những bất cập nội tại, bước đầu tạo dựng môi trường làm việc đoàn kiết, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ, trên tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Mỗi cán bộ, chuyên viên, nghiên cứu viên và người lao động lạc quan, tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của Viện. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng nghiêm túc nhận thấy còn có một số hạn chế, bất cập xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Ts. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Năm 2021, để phát huy được vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh ba nội dung trọng tâm triển khai thực hiện:
Thứ nhất, xác định đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ công tác chuyên môn của năm 2021 và tổ chức thực hiện thắng lợi tạo điều kiện cho việc triển khai có kết quả nhiệm vụ chiến lược cho cả nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo
Thứ hai, tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo Đề án đổi mới tổ chức bên trong của Viện đã được trình Đảng đoàn Quốc hội nhằm xây dựng một cơ cấu tổ chức hợp lý, có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, theo hướng chuyên môn sâu; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có trên cơ sở bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo và kinh nghiệm, sở trường công tác.
Thứ ba, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, trọng tâm là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mới Quy chế về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện, Quy chế về quản lý hoạt động khoa học trong khối các cơ quan Quốc hội; nghiên cứu, ban hành các nội quy, quy chế nội bộ. Đồng thời, đổi mới, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện trên các lĩnh vực công tác.
Ts. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết
Báo cáo cụ thể về công tác năm 2020, Ts. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nêu rõ kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học; công tác thông tin, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu; công tác biên tập, xuất bản sách, tài liệu và tạp chí; công tác quản lý khoa học; công tác đối ngoại, tổng hợp, tổ chức – hành chính, tài chính, quản trị;… Trong đó, phải kể đến dấu ấn quan trọng là Viện đã hoàn thành tốt vai trò làm đầu mối phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật tham mưu, phục vụ việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, góp ý bằng văn bản vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phần về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền,..
Bên cạnh đó, tại Báo cáo tổng kết, Ts. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác năm 2020 như: Hoạt động nghiên cứu khoa học, số lượng các sản phẩm chưa nhiều, chưa bao quát hết các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội; Công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội còn thụ động,…. Nguyên nhân của những tồn tại này là do hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Viện chưa thực sự phù hợp; các nội quy, quy chế nội bộ của Viện Nghiên cứu lập pháp được ban hành từ khi mới được thành lập và một số năm sau đó đến nay đã không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi;…
Trên cơ sở dự kiến chương trình hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, Ts. Lê Hải Đường đã trình bày dự kiến chương trình công tác năm 2021. Trong đó, đề ra nhiều nội dung, mục tiêu cụ thể và định hướng trên tất cả các mặt công tác từ nghiên cứu khoa học; biên tập, xuất bản sách và tạp chí; quản lý khoa học… đến công tác tổng hợp, tổ chức, tài chính. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao kết quả các mặt công tác của Viện Nghiên cứu lập pháp năm trong năm 2020. Trong đó, công tác quản lý khoa học có những đổi mới, cải tiến quan trọng, khắc phục được hạn chế và có những chuyển biến tích cực; công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học lập pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua các dự án luật tại kỳ họp; … Đặc biệt, Viện đã triển khai hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng, kết quả này được Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao và được Bộ Chính trị ghi nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, năm 2021 là năm bản lề cho 5 năm tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng diễn ra vào tháng 1/2021, Quốc hội bước sang nhiệm kỳ mới – Khóa XV (2021-2026) – đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho Viện Nghiên cứu lập pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Viện cần xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2021 trên cơ sở tư duy chiến lược cho cả nhiệm kỳ; Cần lấy Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội làm trung tâm, là đối tượng phục vụ; Tận dụng các lợi thế của hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu sẵn có và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho hoạt động của Viện;…. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp, tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020
Cũng tại Hội nghị tổng kết, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tiến hành công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2020. Theo đó, tập thể được tặng Giấy khen gồm: Trung tâm Nghiên cứu khoa học lập pháp; Ban Quản lý Khoa học và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Nghiên cứu lập pháp; cá nhân đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" gồm: Ông Vũ Văn Huân, Phó Trưởng phòng Tạp chí NCLP; bà Bùi Thị Hòe, Trưởng phòng, Văn phòng Viện; bà Võ Thị Hồng Lan, Trưởng phòng, Trung tâm NCKHLP; bà Phạm Thị Kim Lương, Chuyên viên, Văn phòng Viện; ông Nguyễn Anh Phương, Phó trưởng phòng, Tạp chí NCLP; bà Nguyễn Phương Thảo, Chuyên viên, Trung tâm TTKHLP; bà Trần Hà Thu, Chuyên viên, Trung tâm TTKHLP; bà Bùi Thị Thanh Thúy, Chuyên viên, Ban QLKH./