PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

01/10/2021

Chiều 01/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ nhất của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Dự phiên họp còn có các Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cùng lãnh đạo, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Nghị quyết số 287/NQ-UBTVQH15 thành lập Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026; dự kiến phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng khoa học; Dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2026 và Dự kiến Chương trình công tác của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo Nghị quyết số 287/NQ-UBTVQH15 thành lập Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 có 27 thành viên. Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển. Ủy viên Hội đồng khoa học có đại diện lãnh đạo, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập nhằm nghiên cứu, tư vấn, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường - Ủy viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố Nghị quyết số 287/NQ-UBTVQH15 thành lập Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 

Hội đồng khoa học có trách nhiệm thảo luận, xem xét định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ; tư vấn về danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước…khi được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giao hoặc khi Hội đồng thấy cần thiết và các nhiệm vụ khác được giao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học gắn với hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026 với nhiều kỳ vọng và huy động được sự tham gia của đông đảo các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhà khoa học công tác bên ngoài Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các mặt công tác chính của Quốc hội gồm xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và tổ chức nội bộ của hệ thống cơ quan dân cử đã được xác định trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII với 107 công việc cần tiến hành triển khai. Vì vậy, Hội đồng khoa học cần kiện toàn theo hướng tham mưu, giúp việc, tư vấn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII và tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng nhiệm vụ.

Cùng với đó, có vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng khoa học, Viện nghiên cứu lập pháp sau khi được kiện toàn theo Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp cần chủ động tham mưu các vấn đề lập pháp, ngoài lập pháp, gắn với hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kỳ vọng Hội đồng khoa học và Viện Nghiên cứu lập pháp sau khi kiện toàn sẽ tiếp tục đóng góp vào đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo nội dung làm việc

Thảo luận về Dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026; dự kiến phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng khoa học; Dự kiến Chương trình công tác của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2026, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung dự thảo, đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học trong việc chuẩn bị nội dung tại phiên họp.

Các đại biểu cho rằng, thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, do đó, vai trò của cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học là rất quan trọng nên cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động, hỗ trợ tích cực các thành viên Hội đồng.

Đặt vấn đề làm sao nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh nguồn lực có hạn; đồng thời phát huy hiệu quả thực chất của nghiên cứu khoa học trong hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội để thúc đẩy trách nhiệm, sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, phát huy năng lực sở trường, thúc đẩy sáng kiến của 500 đại biểu Quốc hội; coi trọng tính phản biện trên tinh thần xây dựng vì cái chung, tính dự báo và định hướng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu trách nhiệm, cụ thể của các thành viên Hội đồng khoa học; giao Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học tiếp thu và hoàn chỉnh các văn bản. Trong đó lưu ý một số nội dung về việc bảo đảm cung cấp thông tin thường xuyên đến thành viên Hội đồng khoa học; có cơ chế để huy động thêm chuyên gia tham gia cùng với Hội đồng khoa học trong nghiên cứu, tham mưu các vấn đề chuyên sâu; tăng cường đặt hàng cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, viện, trường nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 kết luận phiên làm việc

Về định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện tại Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở xây dựng định hướng; nhấn mạnh định hướng phải gắn chặt với đường lối chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; các nghiên cứu khoa học cần xuất phát từ đặt hàng của cấp trên, từ đề xuất của cấp dưới, từ các cơ quan tổ chức liên quan và từ sáng kiến của các thành viên Hội đồng khoa học; lưu ý làm rõ các định hướng trọng tâm, điểm nhấn, các nội dung quyết tâm thực hiện. Qua đó ngày càng nâng cao tính khoa học trong hoạt động của Quốc hội.

Tại phiên họp, Hội đồng khoa học thống nhất thông qua Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2021-2026; giao Viện Nghiên cứu lập pháp hoàn thiện văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này.

Ngoài ra, Hội đồng khoa học cũng biểu quyết thông qua Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026./.

Bảo Yến - Minh Thành