Nhiều dấu ấn đổi mới
Công tác nghiên cứu khoa học: Năm 2020, được sự tín nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành, Viện đã được giao nhiệm vụ chính trị quan trọng. Viện đã triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật làm đầu mối tham mưu, phục vụ Ban chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 48 –NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng va hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Góp ý 03 Dự thảo văn bản của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu; Xây dựng Báo cáo nghiên cứu về “Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” gửi lãnh đạo Quốc hội; Báo cáo nghiên cứu “kiến nghị về việc sử dụng công cụ hỗ trợ của người điều hành trong phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội” theo yêu cầu cảu Lãnh đạo Quốc hội.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và qua theo dõi quá trình xây dựng và cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết… Viện đã xác định những vấn đề trọng tâm, còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để phục vụ đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến, xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua 2 kỳ họp thứ 9 và thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Viện đã xây dựng được 08 chuyên đề nghiên cứu, 14 chuyên đề thông tin về hấu hết các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua.
Công tác cung cấp thông tin, chuyên đề phục vụ kỳ họp được đánh giá cao
Công tác xây dựng và biên tập các chuyên đề được cải tiến theo hướng thu hút được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, những người hoạt động thực tiễn, những nhà quản lý giỏi về ngành, lĩnh vực thông qua các cuộc tọa đàm. Nội dung chuyên đề tập trung đi thẳng, trực tiếp vào các vấn đề cần nghiên cứu, các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau về lý luận và thực tiễn trong các dự án luật trình Quốc hội, lập luận một cách khách quan, có cơ sở khoa học, mang tính thuyết phục cao, được các cơ quan và đại biểu đánh giá tích cực như các chuyên đề góp ý về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); dự án Luật Giao thong đường bộ (sửa đổi);….. Các đơn vị trong Viện đã nghiên cứu và có nhiều văn bản đóng góp ý kiến gửi HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội hoặc cơ quan chủ trì soạn thảo phục vụ công tác thẩm tra, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật.
Trong năm 2020, Viện đã chủ trì, tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên gia xây dựng chuyên đề nghiên cứu, thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học theo kế hoạch triển khai nghiên cứu của các Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ giai đoạn 2019 -2020 và giai đoạn 2020 -2021 do Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì. Các tọa đàm, hội thảo thu hút được nhiều ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học và bước đầu thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Quốc hội, đem lại kết quả trực tiếp cho các đề tài và các giá trị lan tỏa.
Hội thảo Khoa học do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức
Công tác thông tin, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu: Công tác thông tin khoa học lập pháp, thư viện, cập nhật cơ sở dữ liệu được triển khai theo chương trình, kế hoạch đề ra. Bên cạnh việc nghiên cứu, cung cấp các chuyên đề thông tin phục vụ kỳ họp, Viện đã duy trì việc tiếp nhận và trả lời các yêu cầu thông tin của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ở trong và ngoài kỳ họp góp phần hỗ trợ đại biểu Quốc hội, các cơ quan cảu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, đóng góp ý kiến, thẩm tra các dự án luật. Các ý kiến trả lời được đánh giá là kịp thời, bảo đảm chất lượng, có giá trị tham khảo trong hoạt động của Quốc hội.
Việc đăng tải, cung cấp thông tin khoa học lập pháp, truyền thông khoa học được quan tâm thực hiện thông qua nền tảng internet góp phần quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh hợp tác và phổ biến kết quả nghiên cứu… Điểm nổi bật trong công tác thông tin là trang tin điện tử của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã đăng tải hơn 190 bài viết của 16 số tạp chí trong năm 2020 và nhiều bài viết liên quan đến các dự án luật lên “Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử”. Đến nay, website đã có khoảng 5.000.000 lượt truy cập sau hơn một năm đi vào hoạt động, thu nhận được nhiều ý kiến góp ý, bình luận tích cực.
Về công tác thư viện và cập nhật cơ sở dữ liệu, các đơn vị chuyên môn đã thường xuyên thực hiện phân loại, sắp xếp sách, báo và tạp chí…; thực hiện số hóa tài liệu hiện có; cập nhật và đăng tải lên hệ thống cơ sở dữ liệu và thư viện số. Đối với thư viện truyền thống, công tác bổ sung sách, tài liệu cho thư viện chủ yếu dựa vào các nguồn: Sách, báo, tạp chí do Viện biên tập, sản xuất; Tài liệu phục vụ ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội; Sách, tài liệu do các đơn vị (tổ chức) trong nước và nước ngoài cho, tặng.
Công tác biên tập, xuất bản sách, tài liệu và tạp chí: Viện đang tích cực triển khai vai trò làm đầu mối trong việc xây dựng, biên tập sách về “tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIV” phục vụ công tác tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội. Theo kế hoạch, cuốn sách sẽ được in và xuất bản vào đầu năm 2021, kịp thời gửi đến đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 11, Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 3 năm 2021.
Về biên tập và xuất bản tạp chí, tính đến 28/12/2020 lãnh đạo Viện đã chỉ đạo biên tập và xuất bản 24/24 số Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, mỗi số có từ 08 – 15 bài. Thống kê đến tháng 12/2020, Viện đã tiếp nhận được hơn 400 bài viết của các tác giả ở trong nước và ngoài nước để đưa vào ngân hàng bài. Các bài viết được phê duyệt và đăng tải đều có hàm lượng khoa học cao, thực sự có chất lượng, mang tính thời sự, bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phục vụ tuyên truyền, nghiên cứu một số dự án luật lớn, quan trọng.
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp mở chuyên mục mới “Chính quyền địa phương”
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã mở chuyên mục mới “Chính quyền địa phương” nhằm đăng tải những bài viết phản ánh kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dan, các cơ quan của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là bước đi phù hợp với nhu cầu và xu thế phát triển của Quốc hội và các cơ quan dân cử nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Bên cạnh đó, hoạt động của tạp chí ngày càng quy củ và theo hướng chuyên nghiệp. Tạp chí đã chú trọng, nâng cao khả năng tương tác với các học giả, các nhà nghiên cứu, xây dựng đội ngũ cộng tác viên chặt chẽ, thường xuyên. Tiếp nhận và tiếp thu các ý kiến phản hồi của độc giả. Mở rộng, tiếp cận thêm khách hàng là nhóm các bạn trẻ, sinh viên. Công tác theo dõi, tiếp thu ý kiến đóng góp từ bạn đọc được Tạp chí quan tâm.
Công tác quản lý khoa học: Năm 2020 là năm bản lề trong đổi mới công tác Quản lý khoa học. Tập thể lãnh đạo Viện đã có những bước đi quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý khoa học bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, thực hiện công tác quản lý một cách chủ động, theo kế hoạch, tăng cường phổ biến, áp dụng các kết quả nghiên cứu, khắc phục triệt để một số bất cập tồn tại trong những năm trước đây, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể:
. Viện đã triển khai đăng ký, tư vấn, đấu thầu, phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học trước ngày 30 tháng 06 theo đúng yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, của cơ quan tài chính cấp trên để chủ động trong việc phân bổ kinh phí.
. Rà soát, phân bổ kinh phí nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2020 – 2021, xây dựng kế hoạch kinh phí nghiên cứu khoa học cho giai đoạn 2021 -2023 và dự kiến kế hoạch kinh phí giai đoạn 2021 -2025 tạo sự chủ động cho việc xây dựng định hướng chương trình nghiên cứu phục vụ Quốc hội khóa XV (2021-2026);
. Triển khai tích cực các quy trình, thủ tục liên quan đến việc thực hiện kế hoahcj nghiên cứu khoa học thực hiện năm 2020, năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đúng quy định, công khai, minh bạch.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học
Bên cạnh đó, Viện đã tổ chức được Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn cho các Ban chủ nhiệm được giao thực hiện nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2020 -2021 nắm bắt được quy trình, thủ tục, chế độ tài chính, mẫu bảng biểu, tiêu chí chất lượng sản phẩm. Để tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý, Viện đang tích cực tổ chức nghiên cứu sửa đổi Quy chế quản lý khoa học công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở các quy định pháp luật về khoa học công nghệ và thực tiễn quản lý hoạt động khoa học trong các cơ quan khối Quốc hội, phúc đáp yêu cầu, đòi hỏi thực tế. Theo dự kiến, Dự thảo Quy chế sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp tháng 02/2021.
Ngoài ra, công tác đối ngoại, được quan tâm thực hiện; công tác tổng hợp, hành chính được thực hiện theo định kỳ, đúng quy định.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động
Năm 2020 đã kép lại với nỗ lực, quyết tâm cùng tinh thần chủ động, sáng tạo Tập thể lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Viện Nghiên cứu lập pháp đã khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào thành công chung của Quốc hội. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu nổi bật năm 2020 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai trong năm 2021, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp:
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
Phóng viên: Thưa Viện trưởng, với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong năm 2020 vừa qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Năm 2020 là năm đặc biệt, thế giới và Việt Nam có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 cũng như hạn hán, lũ lụt. Do vậy, hoạt động của Quốc hội cũng đã có những thay đổi rất lớn trong phương thức, cách thức hoạt động. Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, hoạt động của Viện cũng đã có những đổi mới để làm sao phục vụ tốt nhất hoạt động của Quốc hội đặc biệt là hoạt động tại hai kỳ họp của Quốc hội.
Trong năm vừa qua, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên thì chúng tôi cũng rất vinh dự được Đảng đoàn Quốc hội; lãnh đạo Quốc hội giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị quan trọng mà điển hình là việc triển khai phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Chủ trì giúp Thường vụ Quốc hội tổng kết cuốn sách về Quốc hội khóa XIV thành tựu và những dấu ấn nổi bật. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng được Quốc hội giao cho nghiên cứu một số chuyên đề phục vụ cho 1 số dự án luật lớn.
Bên cạnh đó, trong năm vừa qua Viện cũng đã triễn khai rất nhiều các đề tài, các chuyên đề nghiên cứu phục vụ trực tiếp các dự án luật được trình ra tại hai kỳ họp của Quốc hội. Hoạt động thông tin xuất bản cũng đã đảm bảo số lượng cũng như chất lượng thông tin làm sao đến với độc giả một cách nhanh nhất. Công tác quản lý khoa học đã tiến hành nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình nghiên cứu.
Phóng viên: Có thể thấy nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp khá nặng nề và các hoạt động gắn liền với nhiệm vụ ấy cũng rất thầm lặng. Vậy, Viện trưởng có thể chia sẻ một vài ví dụ tiêu biểu trong công tác nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin có tác động tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách của Quốc hội?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Trong quá trình chúng ta thông qua các dự án luật; Quốc hội thực hiện giám sát tối cao hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì quá trình này có nhiều vấn đề pháp lý hay lý luận thực tiễn đặt ra, nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề,… thì đây là lúc đòi hỏi tiếng nói của các nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu phải vào cuộc để làm sao cung cấp được thông tin khoa học hữu ích giúp đại biểu Quốc hội có được đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn.
Trong thời gian vừa qua, Viện cũng nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình về vấn đề này, chúng tôi bám sát hoạt động hai kỳ họp Quốc hội đặc biệt là các dự án luật để làm sao cung cấp được những thông tin tốt nhất, hữu ích nhất. Đặc biệt, trong năm vừa qua, đối với dự án luật như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy hay là Luật Bảo vệ môi trường thì chúng tôi đều huy động đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín tham gia vào quá trình tổ chức các tọa đàm, hội thảo,… để các chuyên gia, nhà khoa học cung cấp thông tin. Từ đó, chúng tôi có thêm căn cứ để xây dựng các chuyên đề gửi đến cho các Đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt năm vừa rồi, chúng tôi cũng đã thực hiện một ấn phẩm rất mới “Đánh giá 9 tháng đầu năm những vấn đề lớn và khuyến nghị chính sách”. Ấn phẩm này chúng tôi gửi cho đại biểu Quốc hội nhằm cung cấp cho đại biểu Quốc hội phục vụ việc xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, tài chính, … tại các kỳ họp Quốc hội.
Phóng viên: Thưa Viện trưởng, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp là một ấn phẩm uy tín, được giới chuyên gia dánh giá cao và đặc biệt, năm 2020 cũng là dấu mốc kỷ niệm 20 năm ngày ra số Tạp chí đầu tiên. Vậy, vừa qua Tạp chí đã có những đổi mới gì để cung cấp tới độc giả những bài viết chuyên sâu trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp nếu so với các tạp chí ngành luật khác thì Tạp chí có tuổi đời tương đối trẻ. Chúng tôi mới có 20 năm xây dựng và phấn đấu. Tuy nhiên, Tạp chí cũng đã khẳng định được uy tín, vị trí của mình trong các tạp chí khoa học chuyên ngành luật. Trong năm vừa qua với sự thay đổi rất nhanh chóng trong đời sống kinh tế - xã hội và đòi hỏi hoạt động thích ứng rất nhanh thì tạp chí đã hết sức linh hoạt trong việc chuyển đổi.
Chúng tôi cho rằng, tất cả những hoạt động của các cơ quan phục vụ cần phải phục vụ tốt trước hết cho hai kỳ họp Quốc hội sau nữa là các Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, hầu hết các bài viết, công trình nghiên cứu chúng tôi đều tập trung phục vụ cho các dự án luật, cho việc Quốc hội thực hiện các chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Mặt khác, chúng tôi mở 1 chuyên mục mới đánh dấu 20 năm xây dựng và trưởng thành, đó là chuyên mục “Chính quyền địa phương”, chuyên mục này nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị hướng tới hoạt động bầu cử Quốc hội khóa XV cũng Hội đồng nhân dân các cấp. Chuyên mục như 1 diễn đàn khoa học để cung cấp những thông tin lý luận và thực tiễn phục vụ các địa phương thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đổi mới hình thức cung cấp sản phẩm đến cho độc giả thông qua việc đẩy mạnh cung cấp ấn phẩm điện tử qua trang thông tin điện tử để làm sao sản phẩm đến được với độc giả một cách nhanh nhất, đảm bảo tính thời sự.
Phóng viên: Với nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phát huy vai trò định hướng nhiệm vụ khoa học thực hiện trong các Cơ quan của Quốc hội, các Cơ quan của UBTVQH, VPQH và các Đoàn ĐBQH nhằm bám sát hoạt động của Quốc hội như thế nào, thưa Viện trưởng?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Cũng như các hoạt động khác thì hoạt động quản lý khoa học chúng tôi xác định các hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn với việc nâng cao chất lượng và phục vụ trực tiếp cho các kỳ họp Quốc hội. Năm 2020 là năm bản lề hết một nhiệm kỳ khóa trước và cũng mở ra giai đoạn nghiên cứu mới. Do vậy, chúng tôi cũng đã xây dựng Báo cáo kế hoạch nghiên cứu 5 năm cho giai đoạn tiếp theo và định hướng của chúng tôi là cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu lý luận hàn lâm với các nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp cho các dự án luật. Do vậy, các đề tài trong quá trình xét duyệt chúng tôi luôn bám sát các hoạt động của Quốc hội; dự đoán các dự án luật, các công việc Quốc hội sẽ thực hiện trong năm tới để làm sao công trình nghiên cứu có tính ứng dụng, hữu ích cao nhất.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều giải pháp làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu thông qua việc huy động các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau để ngay từ khâu tuyển chọn, xét duyệt các đề tài, đề cương cho đến thành lập các Hội đồng cũng như là việc bảo vệ đề tài. Viện cũng yêu cầu các chủ nhiệm đề tài ít nhất là phải có một chuyên đề phục vụ Quốc hội. Với những giải pháp như vậy công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới sẽ có được những đổi mới mạnh mẽ và chất lượng nghiên cứu ngày sẽ càng tốt hơn.
Phóng viên: Trong năm 2021, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ cơ bản nào để tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thưa Viện trưởng?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Công tác nghiên cứu, công tác khoa học bao giờ cũng phải đi trước và phải dự báo trước được thì mới mang lại những thông tin hữu ích cho các cơ quan chức năng. Do vậy, năm 2021 chúng tôi cũng dự báo căn cứ vào kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; những chủ trương chính sách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là Quốc hội cũng như định hướng hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới để chúng tôi dự báo đưa ra được những công trình, những đề tài nghiên cứu sát với công việc của Quốc hội.
Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ cụ thể chúng tôi cũng tiếp tục tham mưu giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuất bản cuốn sách “Quốc hội khóa XIV thành tựu và những dấu ấn nổi bật”. Bên cạnh đó, những chuyên đề, đề tài nghiên cứu chúng tôi cố gắng triển khai đúng tiến độ và làm sao huy động được các chuyên gia, các nhà khoa học tốt nhất tham gia vào đề tài để sản phẩm mang lại hiệu quả cao. Đối với hoạt động thông tin và thông tin thư viện cũng như các ấn phẩm của tạp chí thì chúng tôi cũng có gắng bám sát các kỳ họp Quốc hội để có những bài viết hay nhất.
Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, thông qua Truyền hình Quốc hội, Viện trưởng có điều gì muốn nhắn gửi tới người dân, cử tri cả nước?
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Năm 2020 là năm có nhiều biến động, đặc biệt là đại dịch covid – 19 tuy nhiên, chúng ta đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, trong năm mới xin kính chúc các quý vị độc giả có thật nhiều sức khỏe cùng nhau vượt qua khó khăn và tin tưởng vào sự đổi mới, phát triển của đất nước trong tương lai sẽ gặt hái được những thành công lớn lao hơn nữa.
Phóng viên: Một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển. Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt những người làm chương trình xin được chúc Viện trưởng một năm mới sức khỏe, thành công, cùng với tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội!
Với những kết quả nổi bật trong năm 2020, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, Viện Nghiên cứu lập pháp đã âm thầm góp phần vào sự phát triển chung của Quốc hội. Dường như đâu đó, sau mỗi quyết sách hay biểu quyết thông qua 1 dự án luật đều thấp thoáng dấu ấn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Bước sang năm 2021, năm bản lề cho 5 năm tiếp theo, Quốc hội cũng bước sang nhiệm kỳ mới - Khóa XV - đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho Viện Nghiên cứu lập pháp. Mong rằng, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu, chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội./.