HUY ĐỘNG TRÍ TUỆ TẬP THỂ, ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

01/08/2022

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trọng tâm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là công tác lập pháp với nhiều dự án luật khó, chuyên môn sâu, lĩnh vực tác động rộng lớn,… Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật “rất khó, rất phức tạp”… đòi hỏi công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu góp ý vào dự án luật phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, đủ luận cứ khoa học, căn cứ thực tiễn,…

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp 

Vừa qua, tại cuộc làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác chuẩn bị đóng góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Viện NCLP cần tập trung nguồn lực, phát huy thế mạnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm cùng cơ quan soạn thảo, các Ủy ban chủ trì thẩm tra triển khai tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề về các dự án Luật. Trong đó, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất khó, rất phức tạp công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu phải tiến hành kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo khách quan, nhiều chiều, đủ luận cứ khoa học, căn cứ thực tiễn,… nhằm đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, ban hành dự án Luật đảm bảo chất lượng cao nhất, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với dự án Luật Đất đai việc xây dựng, đề xuất nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; công tác tổ chức tọa đàm, hội thảo về nội dung này cũng cần mang tính chất chuyên sâu, đào sâu nghiên cứu, làm rõ các vấn đề nổi cộm, trọng tâm cần sửa đổi, những nội dung có nhiều quan điểm khác nhau;…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, bám sát, theo dõi, cập nhật và nghiên cứu hồ sơ dự án luật, Viện NCLP sẽ nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu phục vụ trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội.

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Viện NCLP dự kiến sẽ tham mưu Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, các tổ chức, cơ sở nghiên cứu như: Hội Luật gia Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu luật, các hiệp hội liên quan tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu liên quan đến các chính sách lớn được thể hiện trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, tập trung vào các nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi  đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; (6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị  trường quyền sử dụng đất; (7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; (8) Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; (9) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; (10) Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là luật khó, phức tạp và có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt bởi phạm vi  tác động phạm vi sâu rộng, tính phức tạp, chuyên sâu. Nhìn lại quá trình xây dựng và ban hành đạo luật này, có thể thấy từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của thực tiễn đời sống xã hội, yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm phát huy hiệu quả và khơi thông nguồn lực đất đai. 

Do tính chất phức tạp của dự án luật này, Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Trưởng ban gồm: Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định; tổng hợp danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội  khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 10/2022 tới đây./.

Lê Anh

Các bài viết khác