Tọa đàm Kinh nghiệm của Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ

10/08/2015

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, chiều 10/8, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo chủ trì buổi Tọa đàm.

Tham gia buổi tọa đàm còn có bà Jane Ginsburg, giáo sư khoa Luật đại học Columbia, Hoa Kỳ; ông Tomas Mandl đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Brenda Sue Thornton, cố vấn pháp lý, Đại sứ quán Hoa Kỳ và ông Peter Fowler, tùy viên khu vực về sở hữu trí tuệ, Văn phòng Văn bằng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay có nhiều văn bản điều chỉnh vấn đề này như Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Khoa học công nghệ… và nhiều văn bản hướng dẫn, thi hành các luật trên. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế lại vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng gây ra những tổn thất rất lớn về mặt kinh tế, uy tín cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ; chế tài xử phạt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn yếu, chưa đủ sức răn đe; ý thức của các doanh nghiệp, cá nhân về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được đề cao… Trước thực tế đó, đòi hỏi cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý hữu hiệu, khả thi; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi trong cuộc sống.

Với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, tọa đàm sẽ góp phần bổ sung thêm nhiều thông tin trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách và quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, TS. Jane Ginsburg đã giới thiệu tổng quan về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ cũng như việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Theo đó, tại Mỹ để phòng tránh các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các cơ quan thực thi pháp luật hướng đến những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc vi phạm, những người cung ứng các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này có thể là chế tài dân sự hoặc hình sự. Tuy nhiên, tại Mỹ chế tài xử lý vi phạm dân sự tương đối mạnh mẽ và đủ sức răn đe, do đó biện pháp này được sử dụng nhiều hơn so với các chế tài hình sự.

TS. Jane Ginsburg cũng đã góp ý và thảo luận với các chuyên gia Việt Nam về một số điều khoản trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trách nhiệm của pháp nhân…

Bảo Yến