Hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam

28/08/2015

Sáng 28/8, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức Hội thảo với chủ đề “Góp ý hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam”. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội TS. Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế… đại diện của các trung tâm, cơ sở bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Hà Nội, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết, Hiến pháp 2013 có những đổi mới quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt quy định về quyền trẻ em và trách nhiệm của các chủ thể như Nhà nước, gia đình, xã hội trong việc giúp trẻ em thực hiện quyền của mình.

Những điểm mới của Hiến pháp 2013 là tiền đề, là nền tảng pháp lý để thực hiện cải tiến, đột pháp trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đó có việc sửa đổi Luật bảo vệ, chăm dục, giáo dục trẻ em nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo nên khuôn khổ pháp lý phù hợp triển khai công tác quản lý nhà nước về quyền trẻ em trong thời gian tới đạt hiệu quả cao.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết cơ quan đại diện cho tiếng nói của trẻ em có mối quan hệ gắn kết với cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em. Trên cơ sở Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, cần phải có cơ quan cụ thể thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đại diện cho tiếng nói của trẻ em và giám sát thực hiện quyền trẻ em.

Tại Việt Nam, nhiệm vụ đại diện trẻ em và cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em được giao cho một số cơ quan gồm Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đội thiếu niên Tiền phong; Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực trẻ em phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Như vậy, cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và bảo vệ quyền trẻ em.

Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 40 vừa qua xác định Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện trẻ em nhưng chưa ủy quyền cho tổ chức này chức năng giám sát các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết kiến nghị của trẻ em và các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị cần xem xét nghiên cứu bổ sung nội dung giám sát thực hiện quyền trẻ em trong Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi nhiều nội dung lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong việc thiết lập cơ chế giám sát độc lập quyền trẻ em. Trên thế giới, có khoảng 70 quốc gia thiết lập cơ chế giám sát độc lập quyền trẻ em và được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như thanh tra, cao ủy về trẻ em, ủy ban quyền trẻ em, cơ quan vận động cho trẻ em… Dù được thành lập khác nhau ở mỗi quốc gia, song cơ chế giám sát độc lập đều được coi là một công cụ quan trọng giúp phát hiện lỗ hổng hệ thống và lấp đầy khoảng trống về thực thi quyền trẻ em trong lập pháp và thực tế.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam TS.Trần Thị Thanh Thanh kiến nghị, để thực hiện tốt quyền trẻ em cần tăng cường năng lực giám sát của hệ thống hiện có, đồng thời nghiên cứu xây dựng bộ máy mới theo chuẩn mực quốc tế. Trên cơ sở Điều 67 Luật tổ chức Quốc hội về việc thành lập các tiểu ban thuộc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, TS. Trần Thị Thanh Thanh cho rằng có thể xem xét thiết lập cơ quan giám sát thực hiện quyền trẻ em thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Điều này vừa đảm bảo tính độc lập của cơ quan giám sát với các cơ quan quản lý của Chính phủ vừa có tính chất giám sát tối cao của Quốc hội, tận dụng vai trò, chức năng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phân tích, trong quá trình hoàn thiện cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em cần phân biệt rõ chức năng thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước với chức năng giám sát của cơ quan dân cử và Mặt trận tổ quốc. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng nhấn mạnh, khi xem xét thiết lập cơ quan giám sát cần tính đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này trên thực tiễn, có cấu tổ chức phải gắn với thiết chế quyền lực. Tán thành quan điểm của TS.Trần Thị Thanh Thanh, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng cơ quan giám sát thực hiện quyền trẻ em thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tận dụng được quyền lực của Quốc hội, đồng thời bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế của Việt Nam hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Kết luận Hội thảo, PGS.TS Đinh Xuân Thảo nhận định cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập cần được tiếp tục nghiên cứu tên gọi của cơ quan này, cấu trúc như thế nào, phạm vi hoạt động đến đâu, xem xét tính chất độc lập của cơ quan này là độc lập với ai và như thế nào. Đánh giá cao những ý kiến trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết đây sẽ là những thông tin tham khảo quý giá cho Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Tin và ảnh: Bảo Yến