Từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 5 năm 2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 10 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cơ bản nhất trí dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp trình Quốc hội. Đến nay, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã được các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu tích cực thực hiện, bảo đảm yêu cầu đề ra. Các nội dung trình tại kỳ họp đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Một số nội dung không bảo đảm tiến độ sẽ không đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp. Công tác thông tin tuyên truyền, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm khác đã được chuẩn bị tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành để phục vụ kỳ họp.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh lý của các dự án luật nêu trên. Sau phiên họp này, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2017).
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; tiếp tục cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhận định của báo cáo, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn và làm rõ nguyên nhân những vấn đề được nêu trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách như: cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp; tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; lao động việc làm và tình hình thu cần xác định thêm số hoàn thuế giá trị gia tăng cho chính xác… Đồng thời, cần có bổ sung đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an ninh mạng, giải quyết khiếu kiện… trong báo cáo của Chính phủ.
Về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý ngân sách và tài sản công có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là tăng thu ngân sách nhà nước và giảm nhanh số nợ đọng thuế. Tuy nhiên, tình hình triển khai một số nhiệm vụ và phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn còn chậm, có thể ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ của năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc, làm rõ hơn những vấn đề chịu tác động bởi bối cảnh quốc tế, trong nước, những thuận lợi, khó khăn để đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại phiên họp trước, các cơ quan hữu quan đã hoàn thiện các báo cáo bảo đảm tính chính xác, toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ đã được lập, thẩm định theo trình tự thủ tục quy định. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
4. Cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Căn cứ vào quy định pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng các nội dung nêu trên đủ điều kiện trình Quốc hội, đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
5. Cho ý kiến về các báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
- Về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả trả lời kiến nghị của cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, cho rằng báo cáo được chuẩn bị công phu, chu đáo và cơ bản nhất trí với các nội dung trong báo cáo. Tuy nhiên, cần bổ sung vào báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các địa phương để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các báo cáo gửi xin ý các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
- Về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo báo cáo và cho rằng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị báo cáo chu đáo chặt chẽ, đầy đủ. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rà soát, nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
6. Cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng.
Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng nhằm góp phần tạo điều kiện cho Thành phố huy động nguồn lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực. Theo đó, cho phép Thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định. Đồng thời, hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100%; nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, chỉnh lý và hoàn thiện văn bản thông báo ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này gửi Chính phủ để hoàn chỉnh Nghị định trước khi ban hành.
7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, thông qua các Nghị quyết cho thôi nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh; chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Đinh La Thăng.