Thông cáo phiên họp thứ 10 Ủy ban thường vụ Quốc hội

23/08/2012

Từ ngày 13 đến ngày 22 tháng 8 năm 2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 10 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 05 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII: Luật dự trữ quốc gia; Luật Thủ đô; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo các dự án luật trên gửi đại biểu Quốc hội theo quy định.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 04 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư:

- Dự án Luật hòa giải cơ sở: Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở  được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua năm 1998, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đặt ngang tầm với vị trí, vai trò nòng cốt trong tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở... Do đó, việc ban hành Luật hòa giải cơ sở nhằm xây dựng khung pháp lý cao hơn, hiệu quả hơn, điều chỉnh thống nhất, thúc đẩy sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên tham gia vào quá trình hòa giải, đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống hiện nay.

- Dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai: Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm thiên tai trở nên diễn biến phức tạp hơn trên phạm vi toàn cầu. Hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, việc ban hành Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai là rất cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng, ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng.

- Dự án Luật phòng, chống khủng bố: Trong những năm qua, tình hình khủng bố ở quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, mất ổn định về chính trị và gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới. Mặt khác, các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống khủng bố nhìn chung còn tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đồng bộ, thống nhất; nhiều cam kết quốc tế của Nhà nước ta trong các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố chưa được nội luật hóa để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của mình. Trước tình hình đó, việc ban hành Luật phòng, chống khủng bố là rất cần thiết để hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về phòng, chống khủng bố nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố của nước ta và chủ động hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố trong tình hình mới.

- Dự án Luật giáo dục quốc phòng - an ninh: Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia, nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những  quy định về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh nhìn chung còn tản mạn, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, hiệu lực pháp lý thấp, chưa đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân nhằm góp phần thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới thì việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng - an ninh là cần thiết.

                  Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện và việc chuẩn bị báo cáo của Đoàn giám sát; đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp, làm rõ những vấn đề cần giải trình, tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành gửi đại biểu Quốc hội.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 3 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành:

- Đối với Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội: tại phiên chất vấn đã có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó có 26 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng lao động, thương binh và xã hội trả lời, các Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, lãnh đạo Bộ công an giải trình làm rõ thêm các nhóm vấn đề sau: công tác đào tạo nghề, nhất là trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc; việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.  

- Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại phiên chất vấn đã có 35 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó có 20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời làm rõ thêm các nhóm vấn đề sau: việc xử lý nợ xấu và các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong mối tương quan với an toàn hệ thống và với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.  

- Đối với Tổng Thanh tra Chính phủ, tại phiên chất vấn đã có 23 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó có 19 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, các Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Lãnh đạo Bộ công an giải trình làm rõ các nhóm vấn đề sau: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải pháp tổng thể để giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.

Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành thời gian tới.

5. Cho ý kiến về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị “Quan hệ hữu nghị Quốc hội Việt Nam - Campuchia”. Từ ngày 22-25/8/2012, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Quốc hội Campuchia tổ chức Hội nghị “Quan hệ hữu nghị Quốc hội Việt Nam – Campuchia” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện quan trọng do Quốc hội hai nước phối hợp tổ chức trong năm 2012, góp phần không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để tổ chức thành công Hội nghị này.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài; Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài; đối với Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý  hoàn thiện văn bản trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sau.

7. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (sửa đổi, bổ sung);  nhất trí với Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân về việc bổ sung biên chế cho Viện kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ 2011-2015 và một số vấn đề về công tác xây dựng ngành; nhất trí với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập Vụ thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân tối cao và một số vấn đề khác.

8. Kết thúc phiên họp thứ 10 và kết thúc phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã có kết luận về một số nội dung, trong đó tập trung giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ:

- Bộ trưởng lao động, thương binh và xã hội: Tham mưu, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2012 và 5 năm tới; phối hợp với các ngành hữu quan kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng lao động nước ngoài làm việc trên thị trường lao động Việt Nam vi phạm pháp luật.

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Triển khai đồng bộ các giải pháp để sớm giải quyết tình trạng nợ xấu của ngân hàng; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng giúp hệ thống ngân hàng chuyển biến tích cực và lành mạnh trong thời gian tới; vừa kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng để đẩy lùi, ngăn chặn khả năng suy giảm kinh tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội.

- Tổng Thanh tra Chính phủ: Tích cực giải quyết những khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng bức xúc, kéo dài và những vụ khiếu kiện phức tạp mới phát sinh thuộc trách nhiệm của cấp trung ương và cấp địa phương; nâng cao năng lực hiệu quả và chất lượng hoạt động của hệ thống thanh tra trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước; tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng; tập trung thanh tra các tập đoàn Tổng công ty nhà nước góp phần ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, xử lý kịp thời tổn thất tài sản.

(Văn phòng Quốc hội)

 
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp thứ 15