• Thư viện ảnh
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022
  • Phiên họp bất thường tháng 8
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Phiên họp thường vụ ngày 04/6
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • Phiên họp thứ Ba mốt của UBTVQH

    12/05/2010

    * Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050: Có cần trình QH xem xét, phê duyệt Đồ án hay không? * Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011: Dường như việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh hàng năm đang bị lạm dụng

    Sáng 11.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

     

    Theo Tờ trình của Chính phủ, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được xây dựng trên quan điểm phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh – văn hiến – văn minh - hiện đại; là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia;  trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và là một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực. Theo đó, quy mô dân số của Hà Nội năm 2020 dự kiến đạt 7,1 – 7,4 triệu người; năm 2030 đạt khoảng 9- 9,2 triệu người và năm 2050 đạt ngưỡng dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người. Thủ đô Hà Nội được xây dựng theo mô hình đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn. Đồ án quy hoạch được triển khai thực hiện theo ba giai đoạn. Tổng kinh phí triển khai đồ án quy hoạch khoảng 90 tỷ USD, được huy động chủ yếu từ ngân sách nhà nước; thu hút thêm vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. .

     

    Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền cơ bản nhất trí với các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch của Đồ án. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng Đồ án ngắn nên cơ quan chủ trì xây dựng Đồ án quy hoạch cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đồ án; đồng thời, đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và thực hiện các quy hoạch hiện nay, thực trạng KT-XH ở các vùng nông thôn của thành phố và thực trạng môi trường... để tạo thêm cơ sở cho các định hướng quy hoạch. Đồ án cũng cần thể hiện mối quan hệ hợp lý giữa quy hoạch này với các quy hoạch đang được thi hành theo hướng kế thừa và phát triển, giảm thiểu xung đột và phủ định các định hướng quy hoạch đang được thực hiện. Cần tính toán kỹ nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng, bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị: cần làm rõ tính khả thi của các phương án huy động vốn để xây dựng hạ tầng khung của quy hoạch này. Bởi chi phí thực tế của xây dựng cơ bản sẽ gia tăng lớn so với dự toán vì hiện nay, 80% chi phí xây dựng hạ tầng tại Hà Nội là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

     

    Cơ bản tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế, song Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn về việc: Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 không được trình QH xem xét, quyết định mà chỉ trình QH thảo luận, cho ý kiến để Thủ tướng chỉ đạo hoàn chỉnh và phê duyệt đồ án. Với tổng kinh phí thực hiện dự kiến lên tới 90 tỷ USD và chủ yếu huy động từ ngân sách nhà nước, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 66 về dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH phê duyệt chủ trương đầu tư. Trưởng ban Trần Thế Vượng đề nghị, cần trình QH xem xét, quyết định Đồ án. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết 66. Hơn nữa, Nghị quyết số 15 của QH về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội đã quy định Chính phủ trong phạm vi, thẩm quyền của mình có trách nhiệm xây dựng đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội, tổ chức lấy ý kiến nhân dân rộng rãi và báo cáo QH. Trong quá trình thực hiện Đồ án quy hoạch này, nếu có dự án, công trình sử dụng lượng vốn nhà nước lớn thì phải trình QH xem xét và thông qua chủ trương đầu tư. Do kinh phí thực hiện đồ án quy hoạch này chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, cần tính toán hợp lý nguồn tài chính cho đầu tư hạ tầng và phân kỳ đầu tư bảo đảm hài hòa với vốn đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng khác của đất nước.

     

    Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII và năm 2010.

     

    Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 gồm 31 dự án luật, trong đó có 20 dự án Luật thuộc chương trình chính thức và 11 dự án Luật thuộc chương trình chuẩn bị. Chính phủ đề nghị chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 hai dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. 3 dự án Luật Dự trữ quốc gia, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân tuy không thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XII nhưng đã có sự chuẩn bị khá tốt nên đề nghị đưa cả 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2011.

     

    Báo cáo thẩm tra dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, cơ bản tán thành các nguyên tắc và căn cứ lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Chính phủ: chỉ đưa vào Chương trình các dự án Luật, pháp lệnh còn lại nằm trong Chương trình của QH nhiệm kỳ Khóa XII, trường hợp thật cần thiết mới đề nghị QH bổ sung vào Chương trình; chỉ đưa vào Chương trình các dự án đã được chuẩn bị tốt, bảo đảm chất lượng; hạn chế bổ sung các dự án Luật mới; bảo đảm việc xây dựng Chương trình có sự chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ QH Khóa XII và nhiệm kỳ QH Khóa XIII. Tuy nhiên, do năm 2011 là năm chuyển tiến giữa hai nhiệm kỳ QH Khóa XII và nhiệm kỳ QH Khóa XIII nên Ủy ban Pháp luật đề nghị hạn chế tối đa việc bổ sung các dự án luật không thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của khóa XII vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng: việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thời gian gửi dự kiến Chương trình đến Ủy ban Pháp luật quá chậm; nội dung Tờ trình còn sơ sài, chưa đánh giá đúng mức các ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế trong việc lập và triển khai thực hiện Chương trình; thuyết minh về một số dự án Luật còn đơn giản, chưa đủ sức thuyết phục...

     

    Nhất trí với các nguyên tắc lập dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011, song, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi băn khoăn: vấn đề quan trọng là làm thế nào để thực hiện một cách nghiêm túc các nguyên tắc này? Vì lâu nay, các hạn chế trong khâu lập dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh chậm được khắc phục. Đơn cử như dự án Luật Giáo dục đại học và dự án Luật Giáo viên mặc dù thuộc chương trình làm luật chính thức của QH nhiệm kỳ Khóa XII nhưng đến thời điểm này vẫn không được đưa vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Một số ý kiến khác nhấn mạnh: đồng ý là khi thực tiễn thay đổi thì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp nhưng dường như việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đang bị lạm dụng. Điều này chứng tỏ khâu chuẩn bị dự kiến chương trình chưa thật chu đáo; chưa đánh giá sát, đúng nhu cầu ban hành pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đề nghị: cần chấm dứt tình trạng cứ gần đến ngày trình QH thì cơ quan soạn thảo mới gửi dự án Luật sang cơ quan thẩm tra khiến các cơ quan của QH bị động, phải chạy đua để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng Báo cáo thẩm tra trình QH.

     

    Một số Ủy viên UBTVQH đồng tình với đề nghị của Ủy ban Pháp luật bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, việc sửa đổi các luật này tuy cần thiết nhưng nên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 sau khi đã bầu cử xong QH Khóa XIII vì việc sửa đổi các Luật trên còn gắn với việc tổng kết thực tiễn và tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ QH Khóa XII. Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 dự án Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015; dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Giáo dục đại học.

    P.Thủy – H.Vân

    (http://nguoidaibieu.com.vn)