Hôm nay (27/5), Quốc hội dành một ngày thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.
Thảo luận trên Hội trường, các ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định, năm 2009 là năm khó khăn nhất trong 10 năm gần đây, nhưng nhờ sự nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự giám sát của Quốc hội, chúng ta đã vượt qua khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy vậy, các đại biểu vẫn chỉ ra những tồn tại và yếu kém chậm được giải quyết: bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; lãng phí thất thoát ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; chất lượng trong công tác dự báo - câu chuyện luôn được đề cập tới ở mỗi kỳ họp của Quốc hội; bội chi ngân sách, nợ Nhà nước ngày càng cao…
Cần công bố con số chính xác
Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cân nhắc trong đánh giá đối với các lĩnh vực xã hội, văn hóa, thể thao, môi trường; bởi các chỉ tiêu chưa đạt được của năm 2009 chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường; giáo dục đào tạo, y tế, thể thao còn có nhiều vấn đề. Đại biểu cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ nên bỏ từ “nhiều” và cụm từ “tích cực” trong phần đánh giá về những lĩnh vực này.
Về tỷ lệ giảm nghèo đưa ra trong Báo cáo, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) kiến nghị cần xác định và công bố rõ ràng tỷ lệ thoát nghèo 11,3% theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội hay 12,3% của Tổng cục Thống kê.
Các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) đều cho rằng chuẩn nghèo được áp dụng từ năm 2006 đến nay đã không còn phù hợp do chỉ số giá tiêu dùng ngày càng tăng cao làm ảnh hướng đến đời sống người dân, chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất có xu hướng ngày càng tăng, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo còn gần nhau...
Các đại biểu kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiểm soát giá cả; sớm ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo; tăng cường lồng ghép, phối hợp các chương trình giảm nghèo, loại bỏ sự chồng chéo giữa các chương trình và đề án giảm nghèo.
Tăng cường công tác dự báo, thống kê
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái), một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế xã hội đó là chất lượng công tác dự báo, thống kê chưa tốt. Đây là vấn đề đã được đề cập rất nhiều lần ở các kỳ họp trước đây. Đại biểu dẫn chứng, chỉ trong vòng hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội đến hết năm tài chính thì chênh lệch giữa số liệu ước thực hiện và số liệu thực hiện của một số chỉ tiêu quan trọng quá lớn.
Đặc biệt là thu ngân sách nhà nước cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tới 51.690 tỷ đồng, tương đương 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách của năm 2009. Mức thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 là 8,8 tỷ USD, trong khi báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 1,9 tỷ USD. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định xử lý bù đắp bội chi và thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch cho năm sau và ảnh hưởng đến các cân đối tổng hợp khác như Dự toán thu NSNN 2010 bằng 118,14% so với ước thu NSNN 2009 báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhưng chỉ bằng 104,3% số thực hiện năm 2009. Nếu dự báo được sát mức thu ngân sách năm 2009 thì có thể giảm được mức bội chi ngân sách năm 2009 và năm 2010.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, công tác dự báo đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được chú trọng đúng mức, cần tăng cường nhân lực và các điều kiện phương tiện khác để công tác dự báo phát huy hiệu quả. Đại biểu khẳng định nếu công tác dự báo được làm tốt thì chắc chắn Chính phủ không trình Quốc hội mức bội chi ngân sách cao như vậy và Quốc hội cũng không quyết định mức bội chi ngân sách ở mức cao hơn như hiện nay.
Đại biểu Ngô Văn Minh bức xúc: “Tại kỳ họp trước, chúng ta thảo luận vấn đề này hết sức căng thẳng khi quyết định mức bội chi ngân sách ở mức cao hơn 6%. Có ý kiến đề xuất 7%, 6% hay 6,5%, cuối cùng chúng ta thống nhất 6,2%. Nếu như công tác dự báo tốt thì tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ không trình Quốc hội mức bội chi rất cao như vậy và Quốc hội cũng không quyết mức bội chi cao như hiện nay”.
Các đại biểu đề nghị cần làm rõ ngoài nguyên nhân là dự báo thống kê chưa tốt, còn có nguyên nhân nào khác không? Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm xử lý vấn đề này thật hiệu quả.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội còn góp ý nhiều về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành của Nhà nước, phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng, tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao, do đó, trong những tháng còn lại của năm 2010, công tác điều hành của Chính phủ nên điều chỉnh theo hướng bớt nới lỏng, chỉ linh hoạt vừa phải trong kế hoạch và phải hết sức thận trọng về tài chính tiền tệ để đạt được mục tiêu phục hồi tăng trưởng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm kiềm chế được tái lạm phát cao.
Lo lắng về chất lượng tăng trưởng
Quan tâm vấn đề hiệu quả của vốn đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) dẫn chứng, năm 2007 chỉ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) của Việt Nam là 5,2 thì 2009 là trên 8. Rõ ràng hiệu quả đầu tư rất thấp và cần làm rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng cho rằng năm 2009 chắc chắn hệ số ICOR sẽ trên 8 và đề nghị công khai xem ICOR 2009 là bao nhiêu, để nhân dân đánh giá hiệu quả tăng trưởng. Vì, ICOR cao đồng nghĩa với tăng đầu tư công, đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí, bất lợi cho nền kinh tế.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề xuất việc hoãn đầu tư cho các dự án chưa thực sự cần thiết để đầu tư cho các dự án điện bởi điện là tiền đề cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, đại biểu Tiến tỏ ra rất bức xức với ngành điện khi ngành này cắt điện gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không thấy nói gì đến việc đền bù. “Thiếu điện thì cắt điện, đó là giải thích rất hồn nhiên của ngành điện”, đại biểu Tiến nói.
Báo động đỏ thất thoát, lãng phí
Một trong các nhóm vấn đề được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận là thực hành chống lãng phí, vì “ăn bữa nay phải lo bữa mai”.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đóng góp ý kiến bằng một chuyên đề về tình trạng báo động đỏ trong lãng phí, thất thoát ở đa số các lĩnh vực, ngành nghề: việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí và kém hiệu quả; dễ dãi, tràn lan trong cấp phép thể hiện ở con số trên 1.500 doanh nghiêp, tăng gấp 3 lần so với trước đây, chưa kể băng nhóm khai thác tự do không phép, cơ quan chức năng bó tay
Đại biểu Lê Như Tiến dẫn con số tổn thất, lãng phí trong khai thác than hầm lò là 40-60%, apatit là 26-43%, quặng kim loại từ 15-30%… làm mất đi hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Theo vị đại biểu này, gây lãng phí lớn nhất là lĩnh vực đất đai, với 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82 ha.
Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447 ha.
Chính sách nông nghiệp, nông thôn: Cần kịp thời
Về chính sách phát triển kinh tế vùng, đại biểu Ya Duck (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ có chính sách thu mua cà phê như đã làm với sản phẩm lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đại biểu, Lâm Đồng là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước nên đời sống của bà con các dân tộc ở Lâm Đồng phụ thuộc khá nhiều vào cây cà phê.
Đại biểu cho rằng, trên thực tế, Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua cà phê được đồng bào hoan nghênh nhưng bà con chưa vui vì khi có chủ trương thì đa số nông dân đã bán hết cà phê từ trước đó rồi. Mặt khác, giải pháp chỉ là tạm thời nên không phát huy hiệu quả trên thực tế, không có tác dụng đảm bảo tính ổn định giá thu mua cà phê.
Đối với vấn đề tam nông, đại biểu Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hoá) khẳng định, Chính phủ đã huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, tuy nhiên hiệu quả đầu tư còn thấp.
Đại biểu Nguyễn Văn Phát cho rằng một trong 7 giải pháp cho vấn đề này đó là triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện chương trình và hành động nông thôn mới, đây là cơ sở quan trọng để giải quyết việc làm, lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, cần có quan điểm mới trong việc đầu tư và sử dụng đất có hiệu quả quy mô lớn, tránh lãng phí như hiện nay. Quan tâm đúng mức việc dạy nghề cho thanh niên, nông dân, tránh chạy theo số lượng, quên chất lượng, gắn trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề với người học nghề.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường./.