Ngày làm việc thứ mười, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII: Thảo luận hai dự án luật

03/06/2010

Ngày 1-6, ngày làm việc thứ mười, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn thực phẩm (ATTP) do Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên điều khiển. Buổi chiều, QH làm việc ở tổ, thảo luận dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ATTP. Ða số ý kiến các đại biểu QH đồng tình với dự thảo luật này và báo cáo thẩm tra giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH.

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là quy định tại Ðiều 44 (ghi nhãn thực phẩm): "Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm trước khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa". Nhiều ý kiến phát biểu đồng tình quy định nói trên. Ðại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Ðịnh) cho rằng, việc ghi nhãn thực phẩm ngoài tác dụng cung cấp thông tin còn giúp truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Cần tiến tới tất cả thực phẩm phải ghi nhãn mác, dù khó nhưng vẫn có thể làm được và làm theo lộ trình để người dân có quyền lựa chọn. Ðại biểu Võ Thị Dễ (Long An) nêu vấn đề phụ gia thực phẩm hiện nay khó kiểm soát, ẩn chứa nguy cơ gây bệnh, nên phải coi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện như thuốc chữa bệnh và trên nhãn phụ gia thực phẩm phải nêu rõ hạn sử dụng. Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị trong việc dán nhãn thực phẩm cần ghi rõ những khuyến cáo (nếu có) đối với người sử dụng là trẻ em, phụ nữ có thai và đề nghị cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với những cơ sở thực hiện tốt ATTP, không chỉ dừng lại ở mức độ khen thưởng.

Ðại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) và nhiều đại biểu tán thành quy định trong dự thảo luật về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố và cho là chặt chẽ nhằm khắc phục tình trạng kinh doanh lộn xộn, mất vệ sinh hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu Vi Thị Tuyết (Nghệ An) đề nghị ngoài thức ăn đường phố, dự thảo luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh như thức ăn cho khách sạn, trường học, trẻ em, bếp ăn tập thể vì vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, ảnh hưởng sức khỏe nhiều người.

Về thanh tra chuyên ngành ATTP, nhiều đại biểu đồng tình quy định trong Ðiều 66, thanh tra về ATTP là thanh tra chuyên ngành. Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra ATTP của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong bảo đảm ATTP. Ðại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu đề cập thực trạng, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP còn thiếu và yếu, nhất là ở địa phương; việc kiện toàn, xây dựng bộ máy chưa được quan tâm đúng mức và đề nghị đầu tư nguồn lực, dành ngân sách thỏa đáng cho lực lượng này. Ðại biểu Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai) đề nghị cần quy định số thanh tra viên ATTP căn cứ theo số dân và xử lý theo hướng tăng nặng, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, đặc biệt là hành vi tái phạm nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, đa số đại biểu tán thành quy định giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc quản lý nhà nước về ATTP, khắc phục được tồn tại, bất cập thời gian qua nhưng cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ quản lý chuyên ngành, UBND các cấp. Ðại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) và Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) đề nghị quy định rõ hơn về mối quan hệ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong một số điều của Chương X dự thảo luật.

Ðiều 5, dự thảo luật quy định những hành vi bị cấm. Nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một số hành vi cấm, như cấm lưu trữ thực phẩm không an toàn, sử dụng thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc trong trồng trọt, phụ gia thực phẩm quá hạn... Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) còn đề nghị cấm sử dụng cả những bao bì gây ô nhiễm, độc hại cho thực phẩm, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) và Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) lại cho rằng, số hành vi bị cấm quy định quá nhiều và cụ thể, trong đó một số nội dung khó thực hiện trong thực tiễn.

Nhiều đại biểu tán thành dự thảo luật quy định cụ thể xử lý vi phạm pháp luật về ATTP và đề nghị có chế tài đủ mạnh. Theo đại biểu Ðinh Thị Ngoan (Ninh Bình), dự thảo luật cần bỏ hình thức kỷ luật, chỉ quy định xử phạt hành chính và hình sự. Ðại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị không nên quy định "mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá bảy lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ" vì dễ tạo ra kẽ hở, phát sinh tiêu cực trong áp dụng xử lý. Có đại biểu đề nghị cần nâng mức phạt lên gấp hàng chục lần, tối đa hàng trăm lần vì tác hại của những thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe con người là khôn lường và có thể công bố những cơ sở không bảo đảm ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và nâng cao hiệu quả răn đe.

Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của công tác thanh tra

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH  về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ðiều 22 quy định về Tổ chức cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực là vấn đề được nhiều đại biểu QH ở các tổ quan tâm phát biểu ý kiến.  Theo  Ðiều này, ngoài Thanh tra bộ, Thanh tra sở như quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì hệ thống tổ chức cơ quan Thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn bổ sung Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục thuộc bộ, Thanh tra chi cục thuộc sở. Về vấn đề này,  nhiều đại biểu nêu rõ, dự thảo luật quy định thanh tra chuyên ngành hoạt động trở lại là cần thiết và hợp lý. Ðối với nhiều bộ, ngành, lực lượng thanh tra có vai trò rất  quan trọng trong việc giúp lãnh đạo bộ kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, nên để thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Chính phủ chứ không thuộc ngành đó để tránh hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Thanh tra Chính phủ phải có sự ảnh hưởng, chi phối đối với thanh tra các bộ, ngành và các hoạt động của thanh tra chuyên ngành cần có báo cáo cụ thể với Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ nên có thanh tra cấp bộ, không nên thành lập thanh tra cấp tổng cục, cục, vụ. Việc thành lập lực lượng thanh tra các cấp sẽ gây rối trong công tác thanh tra, kiểm tra. Ðồng thời cần tăng cường trách nhiệm của lực lượng thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan trong công tác thanh tra để bảo đảm tốt kỷ cương hành chính.

Ðiều 64 dự thảo luật quy định: Tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra ngày 15-6-2004. Về vấn đề này, nhiều đại biểu nêu rõ, hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân thực chất là tổ chức giám sát của nhân dân. Việc ban hành Luật Thanh tra mới thay thế Luật Thanh tra 2004, đồng thời lại tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật 2004 là không phù hợp. Bởi vì, khi luật này có hiệu lực và thay thế Luật Thanh tra năm 2004, thì không thể giữ lại Chương quy định về Thanh tra nhân dân của Luật Thanh tra năm 2004.  Vì vậy, đề nghị nếu tách Thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra, cần có văn bản pháp lý độc lập quy định về hoạt động đặc thù của thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên giữ chương Thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, bảo đảm phù hợp quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang đặt ra nhiệm vụ là nâng cao vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Về hoạt động của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra này nhằm tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra; đồng thời rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản trong dự án luật để thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính có thể "phủ sóng" toàn bộ các hoạt động xã hội, tránh hiện tượng có những "khoảng trống" trong công tác thanh tra, kiểm tra.

(http://www.nhandan.com.vn/)