Chất lượng đào tạo chưa theo kịp với nhu cầu xã hội

08/06/2010

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu trường ĐH, CĐ nào không đảm bảo chất lượng đào tạo theo như cam kết thì Quốc hội nên cho hạ cấp học hoặc đình chỉ hoạt động.

Sáng 7/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, do ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trình bày nêu rõ: Tính đến ngày 30/9/2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có 180 trường ĐH, 232 trường Cao đẳng (CĐ), trong đó có 78 trường ngoài công lập và 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng-an ninh. Mặc dù trong những năm gần đây, quy mô và số lượng các trường ĐH, CĐ tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu xã hội và sự phát triển của khu vực và thế giới.

Đa số các trường thành lập mới đều quyết liệt thực hiện đúng các cam kết trong Đề án khả thi thành lập trường, chủ yếu trong các công việc như xây dựng cơ sở vật chất mới, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11 trường trong tổng số 50 trường ĐH, CĐ ngoài công lập thành lập mới (khoảng 20%) chưa thực hiện việc xây dựng trường tại địa điểm đăng ký thành lập trường, chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường, còn phải đi thuê mướn cơ sở để thực hiện việc tổ chức hoạt động và đào tạo.

Nên hạ cấp hoặc đình chỉ những trường không đảm bảo chất lượng

Trong phiên thảo luận, đại biểu Triệu Thị Bình (đoàn Yên Bái) cho rằng: Với quy mô đào tạo mở rộng như hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều trường ĐH, CĐ mới thành lập chưa đảm bảo chất lượng giảng dạy theo như Luật Giáo dục quy định. Trong vòng 10 năm nay, có 15/78 trường ĐH, CĐ mới thành lập phải đi thuê địa điểm để giảng dạy, trường lớp không đảm bảo, thiếu khu vui chơi, hoạt động thể dục thể thao cho sinh viên. Nếu tiếp tục để những trường như vậy hoạt động thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và chất lượng đào tạo ĐH, CĐ nói chung. Vì vậy, ngành Giáo dục cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp nghiêm khắc như đình chỉ đối với những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng) đề nghị, để bảo vệ quyền lợi của người học, Quốc hội cần có Nghị quyết quy định rõ nếu trường ĐH, CĐ nào mới thành lập sau 3 năm thành lập mà không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì có thể hạ cấp học xuống như, từ ĐH xuống còn CĐ, Trung cấp hoặc có thể đình chỉ đào tạo.

Quan điểm này cũng được sự đồng thuận của Hoà thượng Thích Chơn Thiện (đoàn Thừa Thiên-Huế), Lý Kim Khánh (đoàn Cà Mau). Theo các đại biểu, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ và Bộ Giáo dục-Đào tạo rà soát, kiểm tra lại về điều kiện đào tạo của các trường mới thành lập dựa trên thực tế chứ không nên cấp phép hoạt động cho các trường một cách tràn lan như hiện nay.

Cần giám sát chặt chẽ việc đào tạo hệ ĐH không chính quy

Ngoài chương trình đào tạo ĐH chính quy, hiện nay, nhiều các trường ĐH đều được phép đào tạo chương trình đào tạo ĐH không chính quy. Một số trường được phép đào tạo theo hệ giáo dục từ xa. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của những hệ này vẫn còn những bất cập như: Tuyển sinh ồ ạt, chương trình đào tạo chậm đổi mới, tình trạng “học giả, bằng thật” vẫn còn diễn ra. Vấn đề này đang gây ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục ĐH, CĐ.

Đóng góp ý kiến đối với chương trình đào tạo ĐH không chính quy, đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (đoàn Ninh Thuận) nêu ý kiến: Bộ Giáo dục-Đào tạo nên hạn chế thấp nhất cho phép các trường ĐH mở hệ đào tạo không chính quy. Nếu cho những trường nào mở thì phải có giám sát về chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, tình hình sinh viên theo học như thế nào, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt mà không đảm bảo chất lượng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, trên cả nước có gần 900.000 sinh viên hệ không chính quy. Số lượng này là quá lớn trong khi đó chất lượng học tập không thực chất. Nhiều trường không đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phải chạy xô đi giảng dạy từ chính quy sang không chính quy tương đối nhiều. Vì vậy, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần kiểm tra việc tuyển sinh của các trường ĐH, phía các trường cũng cần thực hiện nghiêm việc tuyển sinh đào tạo hệ không chính quy, khi tuyển sinh phải có chọn lọc.

Để giáo dục ĐH, CĐ có chất lượng hơn, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến: Cần quy định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, vai trò của địa phương và từng trường ĐH, CĐ trong việc giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học./.

 

 

Bích Lan-Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)