Cần giám sát kỹ nguồn vốn để thực hiện công trình quan trọng quốc gia

15/06/2010

Ngoài việc cần giám sát kỹ nguồn vốn, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cũng cần xem xét, cân nhắc khi lấy đất nông nghiệp để thực hiện dự án.

Sáng 12/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý nâng quy mô vốn đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia lên, vì việc áp dụng số tiền 20.000 tỷ đồng được tính theo thời giá năm 2006 không còn phù hợp so với thực tế giá cả hiện tại. Tuy nhiên, số vốn Nhà nước đóng góp là bao nhiêu thì cần phải đưa ra Quốc hội xem xét kỹ lưỡng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến: Việc nâng quy mô vốn đầu tư lên 35.000 tỷ đồng cho dự án, công trình quan trọng quốc gia là số tiền tương đối lớn, các ý kiến nâng vốn chưa có sức thuyết phục. Với giá cả thực tiễn và trượt giá so với năm 2006, số tiền đầu tư nên chỉ dừng ở con số 30.000 tỷ đồng là hợp lý.

Về tiêu chí quy mô vốn đối với dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng: Không nên đầu tư các công trình quan trọng ra nước ngoài vì việc đầu tư ra nước ngoài cần sử dụng lượng vốn lớn bằng ngoại tệ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các cân đối kinh tế vĩ mô. Quốc hội cần kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này để tránh thất thoát, tham nhũng trong khi thực hiện dự án.

Đồng ý với quan điểm của các đại biểu trên, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho biết, số vốn đầu tư cho dự án, công trình quan trọng quốc gia nên tính theo số tuyệt đối như 30.000 tỷ đồng thì thời gian thực hiện sẽ rút ngắn hơn và dễ dàng cho các đơn vị, cơ quan kiểm soát số tiền đầu tư. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm kiến nghị Quốc hội nên bỏ việc đầu tư dự án, công trình quan trọng ra nước ngoài.

Xem xét kỹ khi lấy đất nông nghiệp để xây dựng các công trình

Quốc hội cần nghiên cứu kỹ việc sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia- đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk). Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, đất trồng lúa của nhân dân đang ngày càng thu hẹp và nếu để vài năm nữa, Việt Nam phải đi nhập khẩu gạo thì là một điều vô cùng tủi hổ đổi với một đất nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp, đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo như nước ta.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng kiến nghị Quốc hội nên dừng hẳn việc lấy đất nông nghiệp, đất trồng lúa để xây dựng các công trình quốc gia. Nếu xây dựng các công trình thì nên khoanh những vùng đất bạc mầu, kém phát triển chứ không nên lấy đất trồng lúa của nông dân.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, khi quyết định lấy đất nông nghiệp hoặc chuyển đổi đất sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác thì Quốc hội cần xem xét thấu đáo vì điều này ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn, hàng vạn nông dân.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm: Xây dựng các công trình quan trọng của quốc gia là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc lấy đất nông nghiệp cần phải cân nhắc như lấy cụ thể là bao nhiêu ha vì nếu lấy nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm của rất nhiều hộ nông dân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011./.

 

Bích Lan-Thanh Hà

(http://vovnews.vn/)