Phiên họp diễn ra trong thời gian 10 ngày, phần lớn nội dung là công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp tới.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 13 dự án Luật: Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật biển Việt Nam; Luật dự trữ quốc gia; Luật giá; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật giám định tư pháp; Luật thư viện; Luật quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật hợp tác xã (sửa đổi) và 2 dự án Pháp lệnh: Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công.
Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng; cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Cuối Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Đề cập đến bối cảnh, tình hình chung của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, bên cạnh những thành quả bước đầu, đất nước đang phải đối mặt với một số những khó khăn làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế đồng thời tác động đến hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Ngoài nội dung xây dựng pháp luật, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các báo cáo kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước của Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quý I năm 2012, tình hình kinh tế đất nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, việc làm của nhân dân, người lao động. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội vẫn tiếp diễn, gây nhiều bức xúc trong dư luận như tai nạn, ùn tắc giao thông, bạo lực gia đình; hàng giả, hàng nhái; chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm xuất hiện tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lưu ý những đặc điểm trên để có các ý kiến đóng góp phù hợp, hoàn chỉnh Báo cáo, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Ngay buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
4 vấn đề lớn quan trọng xung quanh dự án Luật này thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn; quy định: Căn cứ vào tỷ lệ phần trăm biến động về giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa và vấn đề xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu.
Về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.
Ủy ban Pháp luật cũng đề xuất phương án giữ nguyên như dự thảo Luật về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, nên giao Chính phủ thẩm quyền quy định vấn đề này để bảo đảm tính thống nhất giữa các địa phương. Việc giao Chính phủ điều chỉnh mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực khi có biến động về giá cả cũng sẽ bảo đảm tính linh hoạt trong xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Luật.
Quan điểm xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu qua thảo luận tại Quốc hội, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính cũng được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và cho rằng, đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, đối với tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính cũng cần phải tịch thu, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng (như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép…), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thảo luận tại buổi làm việc, nhìn chung ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng khu vực đô thị áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung. Một số ý kiến đề nghị tăng nặng hơn mức phạt tiền tối đa trong xử lý vi phạm hành chính.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng mức tiền phạt tối đa là 2 tỷ chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức vi phạm. Đặc biệt là đối với trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, hành vi vi phạm tác động xấu đến cả một cộng đồng dân cư lớn, phạm vi sản xuất rộng, ảnh hưởng đến đời sống của một khu vực dân cư.
Cho ý kiến kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mức phạt đến 2 tỷ áp dụng đối với tổ chức vi phạm là mức cao nhất có thể. Tuy nhiên để đủ sức răn đe đối với các vi phạm về môi trường, tài nguyên, đất đai, ngoài mức phạt tiền trên, dự thảo Luật còn quy định việc tổ chức vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đây chính là hình thức phù hợp, quy định trách nhiệm của đối tượng vi phạm.
Nêu quan điểm về việc xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị áp dụng, không tán thành hình thức xử phạt tịch thu, ông Trần Văn Hằng cho rằng, phương tiện vi phạm thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức; việc vi phạm hành chính là do người sử dụng vi phạm chứ không phải phương tiện vi phạm. Vì vậy, nếu tịch thu thì trong trường hợp người vi phạm sử dụng phương tiện đi mượn sẽ không đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện cơ quan soạn thảo dự án Luật lại cho rằng, việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính cần được xem xét đến bởi phương tiện bị tịch thu là phương tiện bị chiếm đoạt sử dụng trái phép mà chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để người vi phạm sử dụng.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đề nghị bỏ phương án tịch thu phương tiện vì sẽ không phù hợp với hàng loạt các quy định trước đây của pháp luật liên quan đến việc sở hữu tài sản.
Trong phần Kết luận buổi làm việc, liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu thống nhất phương án không nên quy định tịch thu tang vật mà nên bổ sung quy định khác để vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản trong dự án Luật, đảm bảo tính đồng bộ tương thích với các luật khác trước khi trình Quốc hội./.