ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

14/09/2019

Chiều ngày 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sau khi nghe Ban soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Ủy ban Pháp luật báo cáo ý kiến thẩm tra vể dự án Luật này.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, ngày 05/9/2019, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội theo Tờ trình số 260/TTr-CP ngày 26/7/2019 của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.  

Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được Ban soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với Ban soạn thảo trong việc xác định mục đích, quan điểm và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần này là tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các vấn đề có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chủ trương, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật hiện nay về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

­Theo Tờ trình, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung 11/102 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung sửa đổi, bổ sung này. Trong đó có các quy định về đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Riêng đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38 về thẩm quyền của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội do chuyển công tác thực hiện nhiệm vụ đại biểu, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan như việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (tại khoản 2 Điều 26), việc tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân (Điều 36),… thay cho việc bổ sung nội dung ở Điều 38 như đề xuất trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần rà soát các quy định có liên quan trong các luật khác để bảo đảm tính thống nhất, tương quan của hệ thống pháp luật như các quy định về số lượng cấp phó trong các luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước; quy định về đánh giá cán bộ và lương, chế độ chính sách của cán bộ trong Luật Cán bộ, công chức; quy định về nhiệm vụ chi ngân sách trong Luật Ngân sách nhà nước…  

Đối với quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Điều 23, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội tại khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội. Cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 07-KH/TW. 

Liên quan đến quy định về số lượng cấp phó và tỷ lệ Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại Điều 67, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW với nhiệm vụ: “Quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và Ủy viên thường trực”.

Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và việc quản lý biên chế của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội như trong dự thảo Luật. Theo đó, ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động của bộ máy giúp việc và trực tiếp phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội được thực hiện tại địa phương; ngân sách trung ương bảo đảm các khoản chi về phụ cấp, thù lao, hoạt động phí của đại biểu Quốc hội và các chế độ khác chi trả trực tiếp cho đại biểu Quốc hội, đây là những khoản phụ cấp có tính chất đặc thù, gắn với hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ với cách quy định như dự thảo Luật thì tiền lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương chi trả. Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc trả lương cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương liên quan đến nhiều vấn đề như về quản lý biên chế, lên lương, quyết định quy hoạch, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật,... đối với đại biểu. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức Quốc hội đều chưa xác định rõ thẩm quyền quản lý biên chế đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương. Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định: “Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các văn bản có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định về vấn đề này trong Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng: Lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do ngân sách địa phương chi trả; đồng thời, giao cho địa phương quản lý biên chế, quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương. Đồng thời, đề nghị rà soát các quy định tương ứng trong Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương cho hoạt động của bộ máy giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và những nội dung chi phục vụ trực tiếp hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.  

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác