ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN GỬI ĐẾN QUỐC HỘI

14/10/2019

Sáng ngày 14/10, thực hiện chương trình phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16/8/2018 đến 15/8/2019) của Ban Dân nguyện.

Chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH đã tiếp nhận 39.793 đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm 3.531 đơn so với cùng kỳ. Trong đó UBTVQH tiếp nhận 17.340 đơn (chiếm 43,57%); Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tiếp nhận 8.690 đơn (chiếm 22%); Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tiếp nhận 13.763 đơn (chiếm 34,58%). Trong tổng số 39.793 đơn gửi Quốc hội có 25.434 đơn nặc danh, trùng nội dung, đơn không đủ điều kiện được xếp lưu theo dõi (chiếm 63,91%); 14.359 đơn đủ điều kiện (chiếm 36,08%). Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%). Ngoài ra, tại kỳ này nổi lên một số nội dung khiếu nại liên quan đến việc triển khai, thực hiện mở rộng, xây mới khu tập kết, xử lý rác thải; việc quy hoạch nghĩa trang; việc thực hiện thu phí BOT tại một số dự án giao thông đường bộ và các đơn thư liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư tăng lên khi số lượng các nhà chung cư bàn giao, đưa vào sử dụng tăng lên...

Toàn cảnh phiên họp

Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.008/14.359 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (chiếm 41,84%); ban hành 2.182 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân (chiếm 15,19%), còn lại 6.169 đơn tiếp tục nghiên cứu, lưu theo dõi (chiếm 42,69%). Đến nay đã nhận được 3.412 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 56,79% tổng số đơn chuyển), còn 2.596 văn bản chưa nhận được trả lời (chiếm 43,21%). Trong kỳ họp, Quốc hội đã chuyển đến một số cơ quan ở Trung ương 787 đơn, chiếm 13,09% tổng số đơn chuyển. Các cơ quan đã xem xét giải quyết, đồng thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định; đã giải quyết và thông tin về việc giải quyết đối với 500 đơn (đạt 63,53%); đối với một số vụ việc phức tạp, theo kiến nghị của cơ quan giám sát, một số đơn vị đã tổ chức đoàn liên ngành thẩm tra, xác minh việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, tình hình thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019 tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhất là trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều địa phương đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác này. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng thường trực làm Tổ trưởng để kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài...

Đối với một số Bộ, qua giám sát trực tiếp cho thấy, các Bộ trưởng rất quan tâm, chú trọng đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và tổ chức cho các lãnh đạo Bộ tiếp theo lĩnh vực được phân công phụ trách; bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp công dân, kịp thời xử lý các trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc đông người, không để xảy ra tình hình phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng thường xuyên chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu Ủy ban nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt so với kỳ báo cáo trước. Theo báo cáo của 55 tỉnh, thành phố có số liệu tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tỷ lệ bình quân Chủ tịch cấp tỉnh tiếp định kỳ đạt 67% so với quy định, tăng nhiều so với kỳ trước chỉ đạt 48% (với 39 tỉnh có báo cáo). Một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp định kỳ đầy đủ theo quy định, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Phước, Kiên Giang, Thái Bình,... Tỷ lệ bình quân Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp công dân định kỳ cũng tăng từ 23% năm 2018 lên 51% trong năm 2019, đây cũng là một trong những nguyên nhân của việc giảm đơn, thư khiếu nại, tố cáo vì nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ cấp cơ sở.

Hơn nữa, thông qua hoạt động tiếp công dân của lãnh đạo các cấp và đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều địa phương chủ động phối hợp với Luật sư tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giải thích pháp luật cho người dân, đã vận động được nhiều công dân rút đơn khiếu nại cao. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện công vụ đã được một số tỉnh thực hiện nghiêm túc và kiên quyết trong xử lý các vi phạm.

Một số tồn tại, hạn chế

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, cơ sở vật chất, việc bố trí nơi tiếp công dân, phòng tiếp công dân của một số cơ quan, sở ngành các cấp còn chưa thực sự thuận tiện cho người dân, nội quy tiếp công dân được niêm yết ở vị trí khó quan sát; nhiều nơi không có phòng tiếp công dân theo quy định nên còn bố trí nơi tiếp công dân chung trong phòng làm việc của cán bộ.

Về tiếp công dân định kỳ của Người đứng đầu Bộ, ngành, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tuy đã được quan tâm hơn kỳ trước, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được đầy đủ theo quy định của luật. Việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân vẫn khá phổ biến ở các cấp, có nơi còn ủy quyền cho Thanh tra tỉnh tiếp công dân định kỳ thay.

Bên cạnh đó, việc lập sổ tiếp công dân, có nơi không có sổ riêng về tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo, nên khó theo dõi chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân của người đứng đầu; việc ghi chép cập nhật vào sổ tiếp công dân còn thiếu chi tiết, chưa rõ ràng, nội dung còn sơ sài chưa thể hiện được đầy đủ kết quả tiếp công dân theo biểu mẫu hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; Công tác lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ tiếp công dân còn chưa khoa học, thiếu chặt chẽ, lưu trữ không đầy đủ hoặc bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra xác minh, giải quyết các vụ việc; ảnh hưởng đến công tác tra cứu, xác minh tài liệu và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến khiếu nại vượt cấp do người dân thiếu tin tưởng vào chất lượng giải quyết của các cấp cơ sở.

Công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, thống kê số liệu báo cáo còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là cấp huyện và cấp xã. Việc bố trí cán bộ tiếp công dân có nơi chưa phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, dẫn đến chất lượng phân loại xử lý đơn thư chưa tốt. Việc giải quyết khiếu nại ở một số địa phương còn chưa đảm bảo thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết; công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, nhiều trường hợp còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan trong áp dụng quy định pháp luật khi giải quyết nhưng không được làm rõ, tháo gỡ kịp thời dẫn đến vụ việc trở nên phức tạp, chậm được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc không đáng có.

Đặc biệt, một số đơn do Quốc hội chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn đến các ĐBQH còn chậm nên không có thông tin để giải thích cho công dân, công dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo gay gắt đến nhiều cơ quan. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh tuy được tăng cường, kết luận thanh kiểm tra đều đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục... nhưng trong xử lý tập thể, cán bộ, công chức có vi phạm còn có hiện tượng nể nang, ngại va chạm, vẫn chủ yếu là kiểm điểm, nhắc nhở; việc sử dụng, cập nhật Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo ở các tỉnh còn rất hạn chế, việc cập nhật có nơi còn chưa kịp thời.

Các giải pháp trong thời gian tới

Để khắc phục những hạn chế này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Quốc hội thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và tiến hành nghiên cứu, tổ chức giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo, nhất là giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể, vụ việc phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm, bảo đảm hoạt động giám sát ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để nắm bắt thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh việc chuyển đơn lòng vòng, không đúng cơ quan có thẩm quyền; tích cực triển khai ứng dụng, cập nhật, khai thác dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần  chỉ đạo các địa phương tập trung, nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết, nhất là đối với những tỉnh, thành phố đang triển khai nhiều dự án phải thu hồi đất, dự án xây dựng và chỉnh trang đô thị, dự án nhà chung cư..; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; rà soát các trụ sở, địa điểm, phòng tiếp công dân đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, chủ động lắp đặt thiết bị ghi âm, ghị hình tại các địa điểm tiếp công dân, phòng tiếp công dân đảm bảo cung cấp đủ thông tin, dữ liệu khi công dân yêu cầu; Chỉ đạo các địa phương có giải pháp bố trí lịch họp, lịch công tác hợp lý hạn chế trùng lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ làm công tác này đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở, nhất là chuẩn hóa sổ sách ghi chép về tiếp công dân trên toàn quốc theo quy định chung của Thanh tra Chính phủ.

Cùng với đó, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cần tập trung chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. Quan tâm xem xét, giải quyết và trả lời các đơn nhận được trong kỳ báo cáo do Quốc hội chuyển đến nay chưa được giải quyết.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và tán thành với các nội dung được nêu trong Báo cáo của Ban Dân nguyện. Các đại biểu cho rằng, Báo cáo đã tổng hợp tương đối đầy đủ kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo với những số liệu cụ thể. Qua báo cáo có thể thấy, lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, tác động hiệu quả đến việc điều hành, ổn định chính trị, nhất là ở các địa phương.

Đánh giá cao chất lượng Báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, các nội dung thể hiện trong Báo cáo rất cụ thể, chi tiết, có các biểu phụ lục kèm theo, có phân tích, đánh giá số liệu rất rõ ràng, dễ theo dõi và cũng đánh giá được toàn diện tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo qua  Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện.

Phát biểu kết luận nội dung Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16/8/2018 đến 15/8/2019) của Ban Dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, mặc dù có sự chuyển biến nhưng chất lượng của công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với công việc giải quyết của cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị vẫn còn chưa được chú trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo; chú ý rà soát kỹ thuật văn bản, câu từ, nhất là các đánh giá, nhận định, bảo đảm nội dung ngắn gọn, thể hiện một cách khách quan, kiểm soát thời lượng của Báo cáo, cố gắng trong phạm vi không quá 15 phút./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh