HÌNH ẢNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

10/01/2020

Sáng ngày 10/01, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Qua thảo luận còn một vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, nhiều ý kiến quan tâm đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp.

Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ. 

Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, nhiều ý kiến quan tâm đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tán thành với việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường cho biết, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định 03 cơ quan điều tra chuyên trách là cơ quan điều tra của Bộ Công an, cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng và cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương lại không tán thành với nội dung bổ sung này và cho hay thực tế số lượng yêu cầu giám định âm thanh, hình ảnh, kỹ thuật số điện tử không nhiều, cơ bản đáp ứng yêu cầu, phục vụ chung công tác điều tra. 

Bên cạnh đó, tại phiên họp từ thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị xem xét lại quy định về thời hạn ra quyết định trưng cầu giám định để bảo đảm kịp thời giải quyết vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm. 

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Ủy ban Tư pháp về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; đồng thời nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như đề xuất của Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra, về thời hạn giám định, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước.

Về bổ sung chức năng cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau. Do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ thể hiện cả hai phương án để trình lên Quốc hội đồng thời đề nghị bổ sung thêm báo cáo đánh giá tác động, giải trình rõ về nội dung này; đề nghị Chính phủ có văn bản thể hiện quan điểm chính thức.

 

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức