HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI)

23/03/2020

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 43, sáng ngày 23/03, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cùng với Ủy ban Pháp luật cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của luật này với các luật khác có liên quan, để tránh sự mâu thuẫn, xung đột khi chúng ta sửa rồi lại bảo vẫn còn mâu thuẫn, xung đột.

Về hộ kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí là cần có luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, có quy định tại luật này hay có một luật riêng thì còn ý kiến khác nhau. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cứ để 2 phương án để trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định là doanh nghiệp khởi nghiệp có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ, để đảm bảo không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát hành trái phiếu riêng lẻ thì rủi ro rất lớn. Vốn của của doanh nghiệp khởi nghiệp thường rất ít nên nếu có sự cố gì sẽ ảnh hưởng tới thị trường kinh tế chung. Để rộng đường ý kiến về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lắng nghe thêm tiếng nói, ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp trẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là đúng quy định và nên nắm giữ 51% vốn điều lệ. Điều này là hợp lý để quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta cần có doanh nghiệp cùng với Chính phủ tham gia điều phối, điều hành các hoạt động kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến bày tỏ băn khoăn: nếu bây giờ chúng ta đưa tất cả các hộ kinh doanh này vào Luật Doanh nghiệp thì tự nhiên chúng ta sẽ có một khối lượng doanh nghiệp tăng thêm được vài triệu hay không? Và có coi tất cả những hộ kinh doanh này là doanh nghiệp hay không?

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhưng hoạt động gần giống như doanh nghiệp siêu nhỏ. Đến nay, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và Ủy ban Kinh tế cho rằng cần luật hóa việc về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn có một chương về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với những nội dung đưa ra trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và yêu cầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng sự xung đột, mâu thuẫn của Luật Doanh nghiệp với các luật khác. Về việc đưa hộ kinh doanh vào trong Luật Doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nên đưa ra 2 vấn đề còn ý kiến khác để Quốc hội thảo luận. Đối với vấn đề doanh nghiệp nhà nước cần bám vào Nghị quyết Trung ương 5: nhà nước nắm cổ phần, có quyền biểu quyết và chi phối được.

Trọng Quỳnh