ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

24/04/2020

Sáng ngày 24/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Toàn cảnh phiên họp

Thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trở thành một trong năm thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997; là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước (tăng bình quân 9,8%/năm), khẳng định vị thế là "đầu tàu", là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thành phố.

Vì vậy, Chính phủ cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban thẩm tra cũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù cho Thành phố có thể tác động, thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp… nên cần phải thận trọng, có đánh giá, tổng kết trước khi ban hành chính sách dài hạn. Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ và rút kinh nghiệm về sự phù hợp của các cơ chế đặc thù đã được ban hành của một số địa phương trên cả nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị chỉ ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù và thời gian thực hiện là 05 năm, bắt đầu tư năm 2021.

Qua thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành với sự cần thiết với việc ban hành Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng. Bởi nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng luôn là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng của Thành phố chưa được khai thác hết do hạn chế của một số cơ chế, chính sách, các thách thức về công tác quy hoạch đô thị, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu tính đồng bộ kết nối, mô hình tổ chức chính quyền địa phương… Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 20/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, hiện nay chúng ta có 05 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, vậy thì thành phố Đà Nẵng, và thành phố Hải Phòng và thành phố Cần Thơ chúng ta cũng cần nghiên cứu, xây dựng những chính sách đặc thù phù hợp, sao cho đảm bảo hài hòa, tương đương giữa các thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Cũng ủng hộ việc xây dựng Nghị quyết để phát triển thành phố Đà Nẵng để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung cũng như cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, những năm qua thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển rất năng động, là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hiện có cho thành phố Đà Nẵng chưa thực sự phù hợp với vị trí chiến lược của thành phố. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để phát triển thành phố Đà Nẵng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và cho rằng tên gọi của dự thảo Nghị quyết “phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là chưa phù hợp. Bởi việc phát triển một thành phố, địa phương không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm chính sách lớn về thực hiện cơ chế chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển và thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ là quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách song dự thảo Nghị quyết lại không quy định thí điểm; đồng thời việc ấn định mốc thời gian thực hiện “đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là chưa phù hợp với tính chất thí điểm cũng như tính quy phạm của văn bản. Do vậy, đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là “Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thay đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết sao cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.

Ngoài ra, về nội dung liên quan đến phí và lệ phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng lại để đảm bảo không chênh lệch với mặt bằng chung của cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, thành phố Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quốc phòng, an ninh; có giá trị chiến lược ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên nước ta. Do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá, bổ sung thêm nội dung về những thuận lợi, khó khăn về quốc phòng, an ninh, cũng như trật tự an toàn xã hội khi triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này theo thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nội dung Tờ trình, đặc biệt là các vấn đề liên quan tên gọi, đất đai, việc bổ sung thu nhập cho cán bộ, quy hoạch và việc thí điểm mô hình chính quyền địa phương… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, xem xét tiếp tại phiên họp tiếp theo, dự kiến vào ngày 15/5 tới. Sau đó, Ủy ban chuyên môn của Quốc hội sẽ phối hợp thẩm tra chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu nội dung Tờ trình tập trung vào vấn đề tài chính thì sẽ giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì thẩm tra; còn nếu tập trung vào vấn đề pháp luật sẽ giao Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra./.

Thu Phương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác