Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này phải bảo đảm việc tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các bộ luật, luật đã được thông qua trong thời gian gần đây liên quan đến việc phòng, chống tội phạm ma túy như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… và các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội chuẩn bị thông qua. Việc sửa đổi luật cần dựa trên quan điểm phòng và chống nhằm ngăn chặn tận gốc hậu quả có thể phát sinh do tệ nạn ma túy gây nên.
Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, công tác cắt nghiện thì dễ dàng nhưng để cai nghiện thành công thì rất khó khăn. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét nguyên nhân căn bản gây ra nghiện ma túy (gia đình thiếu sự quan tâm, đối tượng không có việc làm ổn định, nhiều trường hợp bị ép nghiện ma túy…), từ đó đề ra các biện pháp ngăn chặn từ xa. Bên cạnh công tác phòng ngừa tại gia đình, cộng đồng thì cũng cần làm tốt công tác ngăn chặn các hoạt động thẩm lậu chất ma túy vào nội địa nước ta.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ lo lắng về hậu quả của tệ nạn ma túy đang ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình hình ma túy đang diễn biến rất phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành địa phương thời gian qua triển khai rất quyết liệt nhưng việc ngăn chặn phòng ngừa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong Dự án Luật có một số quy định mới, Ban soạn thảo cần rà soát những quy định này đã đáp ứng thực tiễn hiện nay; đã đảm báo tính đồng bộ thống nhất của Dự án luật với hệ thống pháp luật hiện hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, không chỉ riêng luật này, có nhiều văn bản luật khác cũng liên quan đến công tác phòng chống ma túy, như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)… Vì vậy, việc sửa đổi luật cần dựa trên quan điểm phòng ngừa là chính và trách nhiệm phòng ngừa không chỉ riêng cơ quan chuyên trách chống ma túy, mà là cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân vào cuộc mới mang lại hiệu quả cao. Do vậy, trong Dự thảo luật cần nêu rõ trách nhiệm, vai trò của từng cơ quan, đơn vị trong việc phòng, chống ma túy.
Đề cập trách nhiệm phòng chống ma túy tại gia đình, cộng đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị Ban soạn thảo làm rõ rách nhiệm của gia đình, nếu phát hiện người nghiện thì gia đình phải khai báo, nếu không khai báo thì phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Đại biểu lo ngại tình trạng tái nghiện chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 90% do vậy, sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội vào ngăn ngừa và phòng chống ma túy rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng công an cơ sở nhằm giảm tỷ lệ tái nghiện.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ thống nhất cao với sự cần thiết sửa luật trong tình hình mới. Các ý kiến phát biểu đều khẳng định, hệ thống pháp luật về phòng chống ma túy ngày càng được hoàn thiện. Công tác phòng chống ma túy thu được kết quả quan trọng, công tác điều tra, xét xử tội phạm về ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, nhất là tình trạng tái trồng cây có chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Việc hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống ma túy ngày càng được tăng cường và mở rộng, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, tình hình tội phạm về tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, việc thẩm lậu ma túy xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn nhưng việc ngăn chặn từ khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Việc sử dụng chất ma túy tổng hợp diễn biến phức tạp nhất là trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh. Tệ nạn ma túy là nguy cơ, hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là yêu cầu cần thiết sửa đổi luật để đáp ứng tình hình thực tiễn. Do vậy, việc sửa luật phải đảm bảo tăng cường phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong nước. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy. Đồng thời kiểm soát, quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, công tác quản lý sau cai nghiện làm giảm số người nghiện ma túy mới; tăng cường quản lý người nghiện ngoài xã hội... Đây là yêu cầu đặt ra trong quá trình sửa luật Ban soạn thảo cần lưu ý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về quan điểm sửa luật cần nêu rõ việc sửa luật phải đảm bảo phòng và chống, vừa coi trọng cai nghiện tập trung vừa quản lý cai nghiện ngoài xã hội. Trong đó, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, là nhiệm vụ vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhưng cũng đảm bảo tính nhân văn…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Ủy ban Thường vụ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật với quan điểm chỉ đạo, phạm vi điều chỉnh trong Tờ trình của Chính phủ. Đây là luật sửa đổi tương đối toàn diện, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục tham gia rà soát, đối chiếu các quy định của luật liên quan, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau phiên họp này cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan phối hợp, bổ sung, sửa đổi; giao Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới./.