ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE TRÌNH BÀY MỘT SỐ NỘI DUNG LỚN VỀ VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

09/12/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 51, sáng ngày 09/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 102 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 26 lượt ý kiến, 03 ý kiến tranh luận và 03 ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội (sau đây viết tắt là Thường trực Ủy ban) đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; gửi Công văn đề nghị Thường trực Ban soạn thảo nghiên cứu, phối hợp giải trình, bổ sung báo cáo về một số nội dung của dự án Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan. Ngày 30/11/2020, Thường trực Ủy ban đã tổ chức Phiên họp với Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan để thống nhất các nội dung chủ yếu báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau:

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung từ “tội phạm” để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, thường trực cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu quy định như Luật hiện hành thì đánh đồng giữa tội phạm về ma túy với tình trạng nghiện và các hành vi trái phép khác về ma túy. Do vậy, cần phân biệt giữa tội phạm về ma túy với tệ nạn ma túy để có cách ứng xử phù hợp.  

Thường trực Ủy ban thấy rằng, cũng như Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, dự thảo Luật có nội dung liên quan đến đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy đó là các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy v.v... Kế thừa Luật hiện hành, để bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng, chống ma túy (không chỉ tội phạm ma túy) và để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời, tránh trùng lặp với phần giải thích từ ngữ tại Khoản 10 Điều 3 của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”.

Về bố cục của dự thảo Luật: Có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy trong đó xác định rõ địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho các lực lượng; có ý kiến đề nghị bổ sung chương về phòng ngừa ma túy, trong đó quy định cụ thể về: nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa ma túy đối với các nhóm đối tượng khác nhau, cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác phòng ngừa; có ý kiến đề nghị bổ sung một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy hoặc bổ sung trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho các chủ thể được quy định tại Chương II. Về các vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban xin được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bố cục của dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua về cơ bản giữ như quy định của Luật hiện hành, chỉ bổ sung thêm Chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và đã bao quát được phạm vi điều chỉnh của Luật.

Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan cũng như nguyên tắc phối hợp giữa các lực lượng đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành và một số văn bản pháp luật liên quan khác. Nếu tiếp tục quy định nội dung này trong Luật Phòng, chống ma túy thì sẽ dễ bị trùng lặp và không đầy đủ. Nội dung phòng ngừa ma túy đang được thể hiện trong nhiều điều, khoản tại các Chương về trách nhiệm phòng, chống ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy v.v... Nếu quy định một chương riêng về phòng ngừa ma túy sẽ dễ dẫn đến trùng lặp về nội dung với các quy định nêu trên nên đề nghị không bổ sung chương về phòng ngừa ma túy.

Với các lý giải như trên, Thường trực Ủy ban cho rằng, bố cục như dự thảo là phù hợp và đề nghị giữ bố cục và số lượng chương như dự thảo Chính phủ trình. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng thấy rằng, nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy chưa được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề xuất bổ sung trách nhiệm tuyên truyền phòng, chống ma túy đối với một số chủ thể quy định trong Chương II.  

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đưa các nội dung có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy và các điều khoản trong Chương VI Quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy về Chương II Trách nhiệm trong phòng, chống ma túy. Thường trực Ủy ban xin báo cáo là Chương VI của dự thảo Luật có quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của 10 bộ. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số bộ ngành gắn với một số quy định nằm rải rác ở các chương khác nhau mà không chỉ tập trung ở Chương II. Ngoài ra, quy định trách nhiệm của các bộ cũng đã được cụ thể hóa trong các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ được Chính phủ ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chương VI chỉ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy của Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - hai bộ chủ đạo trong lĩnh vực này, còn trách nhiệm của các bộ, ngành khác sẽ được quy định theo các nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại những điều, khoản có liên quan trong dự thảo Luật.


Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12): Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp như điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật hiện hành; có ý kiến cho rằng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động liên quan đến điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy là chưa phù hợp do vừa trùng lặp về nội dung và chưa đầy đủ so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tương tự như quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an nhân dân.    

Thường trực Ủy ban xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội như sau: Phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, vào thời điểm ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chỉ có ngành công an có cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy nên có quy định cơ quan chuyên trách. Từ năm 2004, Chính phủ đã tăng cường công tác phòng, chống ma túy thành lập thêm lực lượng chuyên trách để ngăn chặn, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã thể hiện cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy gồm Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.

Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan hữu quan thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực, địa bàn quản lý kiểm soát đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng. Những hoạt động mà cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân được tiến hành (khoản 1 Điều 12 Dự thảo Chính phủ trình) cũng đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Bưu chính… Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

“Điều 10. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy

1. Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy bao gồm:

a) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân;

b) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.

2. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

3. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.”.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV): Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với việc bổ sung chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về quy định thời hạn quản lý được xác định căn cứ vào độ tuổi; căn cứ yêu cầu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý; trách nhiệm tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng: quy định thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là 12 tháng mà không phân biệt độ tuổi; bổ sung quy định làm rõ căn cứ và cơ sở thực hiện các nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.

Cai nghiện ma túy (Chương V)

Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 30): Có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; có ý kiến đề nghị tại điểm a và điểm b không cần quy định “biện pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế”, bởi vì đây chỉ là cách thức điều trị đối với người nghiện chất ma túy dạng thuốc phiện và được thực hiện với cả hình thức cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc; có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c và điểm d là chưa phù hợp do chưa bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy, cần xác định tình trạng nghiện đối với các trường hợp này trước khi áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc đối với họ. 

Thường trực Ủy ban xin báo cáo như sau: quy định về các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo Luật đã bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề xuất chỉnh lý quy định về cai nghiện bắt buộc theo hướng bảo đảm nguyên tắc: chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy; ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện và biện pháp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đã từng cai nghiện ma túy (bắt buộc hoặc tự nguyện) mà tái nghiện. Đối tượng bị sáp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự kiến được chỉnh lý như sau:

“Điều 30. Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người nghiện ma túy không thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

c) Trong thời hạn cai nghiện tự nguyện bị phát hiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

d) Trong thời gian điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vi phạm bị chấm dứt điều trị theo quy định của Chính phủ và tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy;

đ) Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện;

e) Người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.”.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 36): Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác cai nguyện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn bất cập, không hiệu quả mà còn làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy và buôn bán ma túy; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng vì không thực hiện được trên thực tế và không hiệu quả; nhưng đồng thời có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng và bổ sung thêm quy định để bảo đảm tính hiệu quả của loại hình cai nghiện ma túy này; có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng quản lý, hỗ trợ ở gia đình, cộng đồng khi họ thực hiện xong cai nghiện ma túy trở về để nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng và phòng ngừa tái nghiện. Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vì: Thực tế hiện nay vẫn còn một số địa phương tổ chức loại hình cai nghiện ma túy này; phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm của gia đình đối với người nghiện ma túy.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, trong thời gian qua, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở đa số địa phương hiệu quả thấp vì: người nghiện ma túy không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi tự nguyện thực hiện cai nghiện; điều kiện và khả năng của chính quyền cơ sở về địa điểm và nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức cai nghiện còn nhiều khó khăn; và số lượng người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giảm mạnh từ năm 2014 đến nay, chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người và chủ yếu chỉ dừng ở khâu cắt cơn. Do nội dung này, ý kiến còn rất khác nhau, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ đó chỉ ra nguyên nhân dẫn đến không hiệu quả và đưa ra giải pháp khắc phục và đề xuất các quy định cụ thể để bảo đảm việc thực hiện, áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả.

Về cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 40): Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.

Thường trực Ủy ban thấy rằng, với quan điểm người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ và biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đó là quan điểm mang tính nhân văn của Nhà nước ta. Nếu quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy thì đã vô tình coi đối tượng này giống như trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. Như vậy, chưa thể hiện được tính nhân văn của pháp luật nước ta. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được giữ như dự thảo Chính phủ trình.

Có ý kiến đề nghị tại khoản 4 Điều 40 cần đánh giá tác động chính sách từ các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện chế độ học tập văn hóa, từ cơ sở vật chất, nguồn lực, đội ngũ nhân viên công tác xã hội cho đến chương trình giáo dục phổ thông dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này để có quy định phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi. Thường trực Ủy ban thấy rằng, được học tập văn hóa là một trong các quyền trẻ em, tuy nhiên còn nhiều quyền khác của trẻ em cũng cần được ưu tiên như: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể; quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Để bảo đảm đầy đủ quyền được học văn hóa của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, với thời gian cai nghiện ma túy từ 06 tháng đến 12 tháng, trong  điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy như hiện nay  thì việc quy định cụ thể trong Luật sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề xuất tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm quyền lợi tốt nhất đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trong thời gian cai nghiện bắt buộc.

Có ý kiến đề nghị việc lập hồ sơ đưa người cai nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc cần được quy định ngay trong Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật dự kiến được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung một điều về lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó, quy định hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp.

Về một số nội dung khác và kỹ thuật lập pháp: Các đại biểu Quốc hội góp ý về các điều khoản quy định về các nội dung: xác định tình trạng nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy; biện pháp và hình thức cai nghiện ma tuý; biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống ma túy; quản lý người nghiện ma túy sau cai nghiện ma túy… Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan.

Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 56 điều, giảm 13 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, trong đó bỏ 03 điều (Điều 2. Đối tượng áp dụng; Điều 60. Kiểm tra, thanh tra trong quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy; Điều 69. Quy định chi tiết) và bổ sung 03 điều mới (Điều 28. Các giai đoạn cai nghiện ma túy; Điều 29: Cai nghiện ma túy tự nguyện; Điều 32. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Ngoài các nội dung nêu trên, ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số nội dung khác cùng các góp ý về kỹ thuật lập pháp sẽ được Thường trực Ủy ban phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Với báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một nội dung lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.

Bích Lan-Minh Hùng

Các bài viết khác