TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VIỆC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

15/03/2021

Chiều ngày 15/03/2021, tiếp tục Phiên họp thứ 54, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10 và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Ngay sau khi nghe ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về 2 Báo cáo này.

Cho ý kiến về hai báo cáo, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình và đánh giá cao nội dung của hai báo cáo đã thể hiện bao quát, đầy đủ các vấn đề cử tri nêu và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình bày khoa học, dễ hiểu, mạch lạc, nhưng cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng ngắn gọn để dành thời gian cho công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và công tác nhân sự.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp.

Cho ý kiến vào nội dung hai báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với nội dung Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày. Đó là thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh, học tập... và những vấn đề bức thiết, nổi cộm được đông đảo cử tri quan tâm. Các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội cần nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị cử tri; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực, đối tượng... để lấy ý kiến đóng góp có chất lượng phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng chính sách, pháp luật.

Cũng tại Phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, do phần lớn các Đoàn Đại biểu Quốc hội không tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11 nên Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của nhân dân, cử tri ở các địa phương và các Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi về. Các ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11 sẽ được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xem xét, trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với hai Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các nội dung kiến nghị của cử tri đều là những vấn đề lớn của xã hội được Nhân dân quan tâm. Ủy ban Thường vụ cơ bản tán thành với 5 nhóm kiến nghị được đề xuất, trong đó có vấn đề liên quan đến việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành và cho rằng nội dung báo cáo đã nêu kết quả đã được, trong đó đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95%. Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Nhìn chung, báo cáo của Ban Dân nguyện được trình bày cụ thể, đánh giá kỹ số liệu, minh chứng rõ ràng. Báo cáo cũng đã đánh giá 6 nhóm vấn đề, tồn tại, hạn chế, nhất là đối với 5% kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời, có nội dung trả lời còn chung chung, chưa chính xác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 tới./.

Lan Hương - Minh Thành