CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NẾU CHỈ SỬA ĐỔI PHỤ LỤC DANH MỤC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA

15/09/2021

Chiều ngày 15/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ và cho ý kiến về dự án Luật này.

Chỉ ra một số bất cập trong hoạt động thống kê, các chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu thống kê hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề: nếu chỉ sửa riêng phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê mà không sửa Luật thì sẽ còn nhiều bất cập không được tháo gỡ, khó đảm bảo tính đầy đủ, đủ độ tin cậy của số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đáp ứng mục đích của hoạt động thống kê được quy định tại Điều 4 Luật Thống kê.

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 05 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Thống kê gồm 09 chương, 72 điều và 01 Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Trong khi đó, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật

Nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, so với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu lần này có một số thay đổi. Theo đó, sửa tên nhóm chỉ tiêu “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”.

Dự thảo Luật giữ nguyên 134 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, sửa tên 41 chỉ tiêu; bổ sung 40 chỉ tiêu và bỏ 11 chỉ tiêu do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu khác.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi của dự án Luật, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết hiện đang có 02 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với phạm vi sửa đổi như Tờ trình của Chính phủ vì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Căn cứ Điều 18 của Luật Thống kê, Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh để kịp thời phản ánh, đánh giá việc thực hiện mục tiêu, đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, quy định của pháp luật mới được ban hành, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu thống kê cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, điều hành đất nước.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần thiết sửa đổi một số điều hoặc toàn diện Luật Thống kê. Báo cáo đánh giá tác động chỉ ra một số nội dung của công tác thống kê chưa đáp ứng yêu cầu nhưng chưa làm rõ do bất cập của Luật hay do tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ

Thực tế cho thấy vẫn có sự khác biệt, không thống nhất về số liệu của cùng một chỉ tiêu thống kê. Một số ngành, địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thống kê, đề nghị xác định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân định chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ, ngành, địa phương; thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành danh mục và nội dung phân loại thống kê quốc gia.

Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng, Luật Thống kê ban hành từ 2015 đã phát huy tác dụng để cung cấp thông tin thống kê cho việc đánh giá, dự báo tình hình hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội. Qua 5 năm thi hành, đã phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới công tác thống kê. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn nên công tác thống kê, chỉ tiêu thống kê cần phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế. Diễn biến của đời sống kinh tế - xã hội  nhanh hơn, phong phú hơn nên cần có thông tin kịp thời hơn để phục vụ quản lý, điều hành, đặc biệt phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động thống kê. Đặc biệt là sửa hệ thống chỉ tiêu thống kê, thay đổi phương pháp tính, cách thức thu thập số liệu, công bố thông tin và cần ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ số trong hoạt động thống kê.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Phụ lục các chỉ tiêu thống kê của Chính phủ còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện, nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngoài những vấn đề mà cơ quan thẩm tra đã chỉ ra, còn có 7 lý do cần sửa đổi Luật Thống kê:

Một là Luật Thống kê hiện hành chưa có quy định rõ về chế độ kiểm toán nhà nước đối với thống kê nhà nước và kiểm toán đối với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước, chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia để bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Hai là, chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thống kê, thông tin thống kê ngoài hệ thống thống kê nhà nước.

Ba là chưa có cơ chế nhà nước đặt hàng cho các tổ chức mà do Đảng, Nhà nước thành lập như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên minh Hợp tác xã và giao nhiệm vụ thực hiện thống kê.

Bốn là, cơ quan nhà nước chưa phát triển dịch vụ thống kê và cung cấp thông tin thống kê.

Năm là chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê trung ương, của Tổng cục thống kê và Cục thống kê địa phương; trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê, bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu; điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê.

Sáu là trong phụ lục thống kê chưa có chỉ tiêu nào phản ánh liên kết vùng, kinh tế vùng, kinh tế ngành; chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện tính toán nội dung này.

Bảy là, điều tra thống kê trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học phát triển như vũ bão mà thống kê trong nước vẫn sử dụng phương pháp điều tra, điều tra mẫu, tạm tính… dẫn đến tính trạng số liệu thống kê không thống nhất, có sai số. Trong khi đã có cơ sở dữ liệu như về dữ liệu dân cư, số liệu xuất nhập khẩu, thuế được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, liên tục.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đề xuất sửa đổi, bổ sung phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia là rất chính xác, song Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung; đồng thời đề nghị cân nhắc để sửa Luật Thống kê để trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại kỳ họp tới và bày tỏ tin tưởng với nỗ lực cố gắng của các cơ quan sẽ có thể chuẩn bị kịp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đề xuất sửa đổi Phụ lục các chỉ tiêu thống kê của Chính phủ theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Kinh tế, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập, chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhiều nội dung chưa được làm rõ. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, chưa có cơ sở để đánh giá việc chỉ sửa phụ lục các chỉ tiêu thống kê mà không sửa luật thì có đáp ứng được việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, việc cung cấp thông tin để Đảng, Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển cũng như công tác quản lý, điều hành hay không. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại Chính phủ, đồng thời khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế làm rõ các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo tại Phiên họp tháng 10./.

Bảo Yến - Minh Thành

Các bài viết khác