ĐỀ NGHỊ TIẾP THU Ý KIẾN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 2

12/10/2021

Theo chương trình phiên họp thứ 4, ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và thống nhất các báo cáo sau khi tiếp thu hoàn chỉnh có đủ điều kiện trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được của các tháng đầu năm 2021. Việc kiểm soát dịch bệnh cùng nhiều chính sách được triển khai để duy trì được mức tăng trưởng khá 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64 % tạo tiền đề để thực hiện cả năm 2021. Dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra như  lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân dưới 4%, thu ngân sách ước vượt dự toán, huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm khoảng 3,5% GDP; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục được duy trì, các cân đối vĩ mô ổn định, bội chi nợ công ước trong ngưỡng cho phép. Cơ bản đời sống Nhân dân, an an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong bối cảnh khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng trưởng dương, khẳng định vai trò bệ đỡ cho tăng trưởng. Một số ngành đã lợi dụng được cơ hội để tăng trưởng như thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng, chế tạo, chế biến liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận

Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn bất cập, hạn chế. Theo đó, còn thiếu sự chuẩn bị cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa nhất quán, có biểu hiện cứng nhắc, cát cứ gây cản trở sản xuất kinh doanh. Tiến độ tiêm vắc xin bị chậm trong giai đoạn đầu nên tỉ lệ bao phủ thấp, khi bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Cùng với đó, chưa xây dựng được chiến lược ứng phó với đại dịch gắn với hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và từng địa phương, dẫn đến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng.  Việc triển khai các gói hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Mục tiêu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ đến kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, công tác phân bổ vốn, giải ngân vốn đầu tư công.

Cho biết, dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết. Trong đó, lưu ý đến xu hướng giảm của các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư tư nhân trong nước gặp khó khăn, dư địa phục hồi tăng trưởng giảm. Các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt đã gây khó khăn cho cung ứng nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng từ sản xuất, xuất nhập khẩu; mặt khác việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ gây sức ép lớn ngân sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng. Tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, lao động đang rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số khu vực. Chuỗi sản xuất cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế trong khi xuất hiện xu hướng hình thành xã hội ít tiếp xúc đến kinh tế ít tiếp xúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế - xã hội năm 2022 và ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát kinh tế.

Cần phải thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, trì hoãn những nhiệm vụ có thể trì hoãn để tập trung nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và khôi phục kinh tế. Tính toán để nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ với liều lượng phù hợp trên cơ sở đánh giá kỹ và kiểm soát được kết quả, sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với các nguồn lực. Cần đánh giá dư địa của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ làm căn cứ điều hành và phối hợp chính sách. Rà soát dự toán 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và  thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý bổ sung rõ hơn trong các báo cáo việc thực hiện quyền hạn được Quốc hội ủy thác trong phòng, chống dịch, khôi phục kinh tế theo Nghị quyết 30/2021/QH15, vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phòng, chống dịch; báo cáo làm rõ nguyên nhân, lý do của việc phải lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; về kế hoạch tài chính 3 năm; về tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành theo kế hoạch, khả năng giải ngân đối với công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia. Đánh giá rõ hơn về các nguồn thu, tính hợp lý của phân bổ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt thấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tập trung thực hiện tốt các giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và tập trung thực hiện một số nội dung: Đảm bảo đủ nguồn cung vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực điều trị bệnh Covid-19; có lộ trình phù hợp cho việc mở cửa lại nền kinh tế, xây dựng phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thí điểm áp dụng thẻ xanh vắc-xin. Tăng cường giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế có phân chia theo giai đoạn phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương. Quan tâm đến y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đã có kết luận về các nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước, các nội dung Chính phủ trình và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Bảo Yến

Các bài viết khác