Cùng dự Phiên họp có Thứ tưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng…
Cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội
Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri hoan nghênh và đánh giá cao Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 cùng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân. Tinh thần của Kỳ họp đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới với những nội dung hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri đặc biệt quan tâm và kiến nghị về một số nội dung sau:
Băn khoăn về tình trạng hàng nghìn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu, các tỉnh biên giới phía Bắc do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành hữu quan cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước.
Cử tri kiến nghị quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là người lao động, người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Cử tri kiến nghị có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội; đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế chính sách cho cán bộ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trước mắt cần có biện pháp cấp bách để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay.
Lo lắng trước tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, khó lường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, cử tri đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.
Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan hữu quan tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước để người dân được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế tiêu cực và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em.
Hiện Tết Nguyên đán cận kề, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp để hỗ trợ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp về quê đón Tết an toàn.
Đã có 536/536 kiến nghị của cử tri gửi đến gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 100%
Về kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2 của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 923 kiến nghị của cử tri.
Qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phục vụ Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 218 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đối với 536 kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất, trong tháng 12, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 21 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất. Như vậy, tính đến nay, đã có 536/536 kiến nghị của cử tri gửi đến gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Ban Dân nguyện đã nhận được thêm 1.055 văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2. Như vậy, tính đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn trả lời nhưng đã có 1.315/1.707 kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời , một số cơ quan đã trả lời 100% kiến nghị cử tri gửi đến.
Tình hình khiếu nại, tố cáo tháng 12/2021 trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng hơn so với tháng trước
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo, trên phạm vi cả nước có xu hướng tăng hơn so với tháng trước. Tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương, Ban Dân nguyện và các cơ quan Trung ương đã tiếp 385 lượt công dân đến trình bày về 166 vụ việc (tăng 178 lượt người và 58 vụ việc so với tháng trước). Trong phạm vi cả nước, nổi nên một số vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến đất đai; ô nhiễm môi trường; dự án nhà ở chung cư tập trung ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang; Nghệ An, Bắc Ninh; Lào Cai, Long An, Gia Lai, Hòa Bình, Đắk Nông, Cần Thơ...
Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 17,42%) so với tháng trước, trong đó có 341 đơn thư đủ điều kiện xử lý (tăng 3,64%).
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 7
Nhìn chung, công tác tiếp công dân tiếp tục duy trì nề nếp và thực hiện có hiệu quả, việc xử lý đơn thư luôn thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật, chủ động nghiên cứu phát hiện những vụ việc khiếu nại, tố cáo có căn cứ, có cơ sở, để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, thường xuyên theo dõi, rà soát kết quả giải quyết đơn của cơ quan có thẩm quyền. Kịp thời ban hành văn bản đôn đốc đối với những trường hợp quá thời hạn, cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết, đã góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như: do tình hình dịch bệnh Covid–19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn không thực hiện được như chương trình, kế hoạch đã đề ra, thậm chí nhiều Đoàn vẫn phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp hoặc công dân không trực tiếp đến nơi tiếp dân để gửi đơn yêu cầu, trình bày, phản ánh; Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn thư còn hạn chế; Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu vẫn là việc chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.
Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa hiểu rõ về trình tự, thẩm quyền giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nên gửi đơn đến nhiều nơi, gửi vượt cấp; không ít trường hợp lợi dụng quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để gây áp lực với cơ quan nhà nước hoặc lôi kéo, kích động người khác khiếu kiện, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Một số vụ việc đã được các cơ quan giải quyết có căn cứ đúng pháp luật, hết thẩm quyền, nhưng công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan Trung ương và địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021
Qua thảo luận, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã đi vào nề nếp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chất lượng Báo cáo của Ban Dân nguyện ngày càng tốt lên. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với một số nội dung nổi cộm, kiến nghị của cử tri từ nay đến Tết nguyên đán. Ngoài vấn đề kinh tế - xã hội, vấn đề ùn ứ, vận chuyển hàng hóa nông sản cũng là nội dung được nhiều cử tri, nhân dân quan tâm.
Vấn đề khác nổi lên gần đây liên quan đến thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Ngoài ra, cận kề ngày Tết, vấn đề buôn bán gian lân thương mại, hàng giả, hàng nhái, vệ sinh an toàn thực phẩm cần được chú trọng nhiều hơn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ứng xử của các địa phương đối với người dân về quê ăn tết rất khác nhau; vấn đề người lao động tăng ca, làm thêm giờ; giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Thủ tướng quan tâm, xem xét và có hướng giải quyết các vấn đề này. Do đó, Ban Dân nguyện cần tổng hợp đầy đủ các nội dung, kiến nghị của cử tri, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quốc Hùng giải trình, làm rõ một số nội dung tại Phiên họp
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quốc Hùng cũng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc thống nhất sổ hộ khẩu, thẻ căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán cận kề, Bộ Công an đã ban hành đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giải quyết các vấn đề nổi lên hiện nay như tình trạng buôn lậu qua biên giới, buôn lậu pháo, ma túy, vi phạm tín dụng đen, tín dụng trên mạng, tình trạng đòi nợ thuê…
Công tác dân nguyện từng bước đi vào nề nếp
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với các nội dung trong Báo cáo của Ban Dân nguyện tháng 12/2021, chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên, công tác dân nguyện từng bước đi vào nề nếp, cần được tiếp tục phát huy. Báo cáo đã tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, nêu bật được những kiến nghị, những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Đồng thời tổng hợp được kết quả, trả lời, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị sau các kì họp. Báo cáo cũng đã nêu lên tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình tiếp nhận xử lý đơn thư, tình hình triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật và tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số tình hình giải quyết các vụ việc cụ thể. Báo cáo cũng đánh giá được những mặt mạnh và những hạn chế, thiếu sót của công tác dân nguyện và nêu rõ 5 nội dung kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung Phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trong báo cáo cũng như các nội dung bổ sung tổng hợp từ nhiều nguồn để nâng cao chất lượng báo cáo, đề nghị gia công phần kiến nghị, tổng hợp tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Chính phủ (như vấn đề chống hối lộ tại các cửa khẩu, quy định ứng xử của chính quyền các cấp khi người dân về quê đón Tết, mức thưởng của các bệnh viện, vấn đề sử dụng căn cước công dân, sổ hộ khẩu sao cho thống nhất, phân loại thu gom rác, các vụ bạo hành…), Qua đó trở thành báo cáo kiến nghị chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, Mặt trận tổ quốc…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, cần có văn bản chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đôn đốc các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác dân nguyện và chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đôn đốc việc triển khai giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại tố cáo cũng như lựa chọn các bộ ngành, địa phương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 2/2022; Đề nghị Văn phòng Chính phủ căn cứ vào báo cáo đã được hoàn chỉnh, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đôn đốc các bộ ngành liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các kiến nghị, có văn bản giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri cũng như tình hình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát một số vụ việc nổi cộm, mới nảy sinh cũng như quan tâm, đôn đốc giải quyết các vụ việc còn tồn đọng kéo dài.
Một số hình ảnh tại Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/01:
Tại Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021