ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ MỨC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI XĂNG, DẦU, MỠ NHỜN

23/03/2022

Chiều 23/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, đợt 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Trình giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Trình bày Tờ trình Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, để đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế.

Các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (GTGT) (không thu phí, lệ phí đối với xăng dầu). So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, từ cơ cấu các chính sách thuế đối với xăng dầu như báo cáo nêu trên thì giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022

Căn cứ các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, sau khi tính toán trên cơ sở khả năng cân đối NSNN, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau:

Xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít.

Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.

Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg.

Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để đảm bảo tính kịp thời của chính sách, Chính phủ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2023 thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.

Kịp thời giảm thuế để giảm giá xăng dầu, ổn định thị trường

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

Cho rằng, giảm thuế là chính sách hỗ trợ, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, đa số ý kiến thẩm tra thống nhất với mức thuế theo đề xuất của Chính phủ, cụ thể: Xăng, trừ etanol mức thuế 2.000đ/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế 1.000đ/lít (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); Dầu hỏa mức thuế 300đ/lít (giảm 70% so với mức thuế hiện hành); Nhiên liệu bay mức thuế 1.500đ/lít (giữ như mức thuế hiện hành). Đồng thời, thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ (từ 01/4/2022 đến 31/12/2022).

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo rõ căn cứ tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng, theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô trên thế giới. Mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu cần được cân nhắc lại một cách có cơ sở. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, trừ dầu hỏa và bổ sung số liệu so sánh giá xăng dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng dầu ra bên ngoài.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị  trong công tác điều hành đối với xăng dầu, Chính phủ cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động. Trên cơ sở đánh giá tình hình nhập khẩu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc, Singapo, khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước và biến động về giá trên thị trường thế giới, Chính phủ tính toán mức độ giảm thuế nhập khẩu MFN một cách phù hợp để có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sự cần thiết ban hành Nghị quyết, thời gian có hiệu lực của Nghị quyết, các mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể

Để góp phần giảm áp lực về nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong nước, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý, kịp thời kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định đối với lượng xăng dầu dự trữ thương mại của doanh nghiệp.

Trong điều hành giá xăng dầu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá để cập nhật hơn với biến động của thị trường thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng dầu) để đa dạng hóa các công cụ có thể sử dụng tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Nghiên cứu giải pháp điều hành giá xăng dầu mang tính dài hạn, căn cơ

Thảo luận tại phiên họp, khẳng định việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nội dung này là phù hợp với Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, cử tri và các đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến biến động giá xăng dầu, tình trạng khan hiếm, đứt gãy nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên đến nay Chính phủ mới đề xuất xử lý vấn đề này được cho rằng vẫn còn hơi chậm, nếu có thể giải quyết kịp thời hơn, sớm hơn sẽ tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, về bản chất sẽ phải dùng sắc thuế khác để giảm giá xăng dầu tuy nhiên các sắc thuế khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, trước yêu cầu về tính cấp thiết trong điều hành giá xăng dầu không thể đợi đến kỳ họp để trình Quốc hội. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ nhất trí với đề xuất của Chính phủ về giải pháp trước mắt trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xet quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với các mức điều chỉnh giảm cụ thể như Tờ trình.

Về dài hạn cần nghiên cứu sử dụng các công cụ thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ, các Bộ trong thời gian tới cần quan tâm đến việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu một cách linh hoạt, công khai, minh bạch; xem xét cơ cấu giá cơ sở giá xăng dầu, giảm tiêu hao…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ghi nhận sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã quan tâm đến việc điều hành giá xăng dầu, xem xét giải pháp để giảm giá xăng dầu với tinh thần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá bên cạnh việc bám sát giá thế giới nhưng cũng cần có sự điều hành của Nhà nước nhằm bảo đảm đa mục tiêu như chỉ số CPI, tăng trưởng, việc làm, đời sống Nhân dân.

Đối với các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường lần này là giải pháp tình thế, dự kiến áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết năm. Từ giờ đến cuối năm dự báo tình hình còn nhiều biến động khó lường, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp liên tục điều chỉnh chính sách liên tục thì khó có thể bảo đảm kịp thời. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận thêm để có giải pháp bảo đảm linh hoạt trong điều hành.

Nêu rõ, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ dẫn đến giảm thu ngân sác nhà nước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần phấn đấu thực hiện tăng thu ở các lĩnh vực khác, chống thất thu để vẫn bảo đảm thu ngân sách năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Liên quan đến nội dung Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thuế bảo vệ môi trường giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế. Đây được coi là một bước ủy quyền của Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, về nguyên tắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủy quyền tiếp cho Thủ tướng Chính phủ thì phải có sự kiểm soát khung về mức và về thời gian.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết người dân, doanh nghiệp rất mong đợi quyết định về giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu trong thời điểm hiện tại. Đồng thời cho rằng việc tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, các Bộ ngành, Ban điều hành giá linh hoạt chủ động điều hành giá bám sát tình hình giá thế giới, biến động liên tục.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm rõ một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Thứ trưởng Bộ Công thương làm rõ giá xăng dầu hiện này được điều hành công khai minh bạch. Người dân, các cơ quan hoàn toàn có thể dự báo được việc điều chỉnh giá dựa vào công thức, biến động giá thị trường thế giới…Mỗi lần điều chỉnh giá đều đúng ngày đúng giờ theo quy định, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và có lý giải về mức giá điều chỉnh. Trong quá trình điều hành giá xăng dầu của Chính phủ, của Liên Bộ Công thương - Tài chính đều cân nhắc tính toán chặt chẽ để bảo đảm tổng thể, hài hòa nhiều lợi ích các bên từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người dân, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào, điều hành kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng. Dẫn chứng trường hợp giá xăng dầu thị trường thế giới tăng thì  các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất mong điều chỉnh giá trong nước tăng nhanh nhưng tăng lên nhanh sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp sản xuất và giá cả các hàng hóa, dịch vụ. Do đó, trong quá trình điều hành của Chính phủ có sự cân nhắc.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xem xét và thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo thủ tục rút gọn tại một phiên họp. Trong điều kiện giá xăng, dầu thế giới tăng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định được quản lý, điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng, dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân, kiểm soát lạm phát; rà soát, điều chỉnh phù hợp với các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận; nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bình ổn giá thị trường và các giải pháp khác về kinh tế và an sinh xã hội. Chú ý các giải pháp đảm bảo nguồn lực, cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác