Tại phiên họp, ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và những tháng đầu năm 2022
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đánh giá năm 2021 là năm đối diện với khó khăn, thách thức chưa từng có. Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc diễn biến nhanh, phức tạp, thời gian dài, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh ở mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Những tháng cuối năm đã kịp thời chuyển hướng từ chiến lược phòng, chống dịch bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, nhờ đó đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch kinh tế vĩ mô ổn định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đánh giá tình hình của năm 2002. Tình hình kinh tế chính trị trên thế giới biến phức tạp, dịch bệnh kéo dài, giá dầu và lạm phát tăng cao nhưng Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có nhiều chính sách để hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dịch bệnh được kiểm soát nền kinh tế tích ứng linh hoạt với dịch bệnh dần vào quỹ đạo phục hồi. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, lao động, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội cơ bản ổn định trong trạng thái bình thường mới.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng những kết quả tích cực này góp phần củng cố niềm tin, tinh thần phấn khởi, lạc quan của Nhân dân cũng được củng cố và lấy lại sự cân bằng khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch COVID của quý II và quý III của năm 2021, quý IV đã có những tiến triển rất tích cực. Đồng thời, nhấn mạnh nội dung cần ghi nhận thêm là Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt kết quả ấn tượng và tăng trưởng đạt 25,2% và cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm hấp dẫn.
Liên quan đến giải pháp cho những tháng còn lại của năm 2022, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần chủ động tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các vướng mắc, rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và chuẩn bị các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, chúng ta đã rất quyết tâm, rất khó khăn, vất vả để có được một nghị quyết tầm cỡ như vậy thì việc thực hiện hiệu quả rất cần được quan tâm.
Đánh giá làm rõ hiệu quả của các chính sách trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch
Cho ý kiến về tình hình thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thị trường lao động những tháng đầu năm có sự khởi sắc mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị Quý I/2022 là 2,88%, giảm rất mạnh so với Quý IV/2021 và kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Chỉ rõ, trong báo cáo đã nêu tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương, với khoảng 120.000 lao động chiếm khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng, cao hơn những năm trước 2-3%, chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần đánh giá rõ hiệu quả của công tác dự báo tình hình thị trường lao động trong thời gian qua và có giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng lưu ý quan tâm đến áp lực đè nặng lên cán bộ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tăng cao những tháng đầu năm 2022, chế độ chính sách đối với nhân viên y tế còn hạn chế, dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, gây thiếu hụt về nhân lực y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị quan tâm đến việc ban hành văn bản hướng dẫn trả lời của các bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh ở địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH của Quốc hội hay Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi thực tế có tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương, có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất và người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Việc thực hiện hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm y tế đến nay hết thời hạn thực hiện hỗ trợ cho người lao động nhưng thực tế vẫn chưa thực hiện xong, một số nội dung hỗ trợ tăng cao gấp nhiều lần so với dự kiến khi thiết kế chính sách. Vì vậy, Chính phủ sớm có báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ làm rõ hiệu quả phân bổ nguồn ngân sách cho phòng, chống dịch bởi trong các báo cáo mới chỉ nói có bao nhiêu tiền, còn chưa có đánh giá hiệu quả của các gói chương trình phòng, chống dịch. Ngoài ra, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn nói rất nhiều năm quá chậm và không hoàn thành kế hoạch; vấn đề đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công và vốn từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khả năng hấp thụ vốn…là những vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ.
Hoàn thiện các báo cáo tóm tắt bảo đảm cung cấp số liệu "biết nói"
Cho ý kiến về các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần tiếp tục đánh giá làm rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát trước tình hình diễn biến rất bất thường về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề với diễn biến bất thường như thế liệu có thể yên tâm được không. Do đó, cần phải đánh giá cho kỹ các vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về các báo cáo
Điểm lại một số vấn đề cần tiếp tục đánh giá làm rõ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải bám sát và các nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết 43/2022/QH15 về gói chính sách tài khóa và tiền tệ và các nghị quyết khác của Quốc hội về các kế hoạch trung hạn 5 năm để đánh giá tình hình triển khai hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các báo cáo tập trung làm rõ những vấn đề nổi lên, lưu ý không đánh giá chung chung "chậm", "hạn chế" mà chỉ rõ chậm thế nào, hạn chế thế nào, số liệu phải trở thành những con số biết nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các báo cáo cập nhật, nêu rõ số liệu để đại biểu Quốc hội được biết. Trong đó, phân tích cho việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 thành một mục riêng, triển khai các chính sách kích thích kinh tế, đánh giá các mặt triển khai các mặt từ y tế, giáo dục, đầu tư công, khả năng giải ngân, việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng khi có gói kích thích kinh tế được ban hành. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội cần chắt lọc từ báo cáo chính thức đưa lên những vấn đề lớn, có số liệu dẫn chứng minh họa rất cụ thể. Báo cáo bảo đảm tăng cường tính phản biện, có tính xây dựng với mục tiêu nhân văn. Ghi nhận thành tựu đạt được, những cố gắng lớn từ trung ương cho đến địa phương; biểu dương những địa phương, bộ ngành thực hiện tốt. Đồng thời chỉ rõ cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các báo cáo nêu rõ số liệu, phản ánh đúng thực trạng, nêu những vấn đề nổi bật
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết qua thảo luận thống nhất đánh giá năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến thẩm tra, hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 với theo tinh thần đổi mới, tăng cường tính cụ thể, phản biện, nêu các vấn đề gợi ý cần tập trung thảo luận để các đại biểu thảo luận có tập trung trọng điểm hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, từ nay đến cuối năm tình hình kinh tế xã hội còn gặp nhiều thách thức, nhất là để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng từ 8 đến 8,5% là một thách thức rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ lưu ý tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19, bao phủ tiêm vaccine, nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh. Điều hành linh hoạt hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác bám sát diễn biến của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới. Kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý, quản lý nợ xấu có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp
Cùng với việc có giải pháp để ổn định thị trường, niềm tin của nhà đầu tư có chính sách đảm bảo cân đối cung cầu bình ổn giá hàng hóa, nhất là điện than, xăng dầu và vật tư nông nghiệp. Có giải pháp duy trì của ngướng tránh gián đoạn sản xuất khẩu và mở cửa du lịch và thì phát triển thị trường nội địa.
Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, Kế hoạch tài chính 5 năm. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động.
Các chính sách an sinh xã hội mở cửa trở lại trường học phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường phòng chống tham nhũng tội phạm, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ lập duyệt các quy hoạch.
Tiếp tục có cơ cấu lại nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch chuyển đổi số tại tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm quốc gia và đặc biệt lưu ý các danh mục còn chưa được phân bố tăng cường quản lý thống nhất thu chuyển giá gian lận thương mại, trốn lậu thuế; tích cực thu hồi nợ thuế, điều hành chi bám sát dự toán tiết kiệm hiệu quả; dành nguồn lực cho phòng chống dịch COVID-19 hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách, bội chi nợ công, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, tập trung cho một số luật quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thị trường chứng khoán thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng thao túng giá, làm giá và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng hay công ty niêm yết. Điều này làm cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thiếu bền vững, thiếu ổn định. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị quan tâm đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đến xã hội, trước tình trạng vừa qua học sinh, trẻ em tự tử cao bất thường. Trong xã hội hiện tượng tự tử, bạo hành có thể liên quan đến sức khỏe tâm lý. Do đó, hậu đại dịch, một mặt giải quyết được kinh tế - xã hội, mặt khác cần giải tỏa bớt áp lực xã hội. Ngành y tế nên quan tâm xây dựng hệ thống tư vấn về sức khỏe tâm lý.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã ban hành hơn 2 năm. Tuy nhiên, đến nay trong 10 dự án thành phần mới có một nội dung có nghị định hướng dẫn cho Ngân hàng chính sách xã hội về hỗ trợ đối tượng cho vay. Còn lại 9 nội dung vẫn đang trong quá trình triển khai. Cho biết, người dân rất trông chờ, tin tưởng, mong chờ có những hỗ trợ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng nếu không có hướng dẫn cụ thể thì không thể triển khai các nguồn, do đó, cần phải có sự quan tâm kịp thời và đồng bộ, tránh việc đưa chính sách rất tốt, tổng thể vĩ mô nhưng khi tổ chức thực hiện cụ thể thì bị chậm hoặc không đồng bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị báo cáo đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện việc kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cho công tác quản lý nhà nước và sản xuất, kinh doanh, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú; việc hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; làm rõ hơn kết quả đạt được và nhất là tác động hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của giai đoạn 1.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp