Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, Pháp lệnh dự trữ quốc gia sau 8 năm thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không theo kịp với những diễn biến thực tiễn của hoạt động dự trữ quốc gia trong cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một số quy định tại Pháp lệnh dự trữ quốc gia không còn phù hợp với quy định của luật khác mới được ban hành như: quy định về phương thức mua hàng dự trữ quốc gia chưa đồng bộ với Luật đấu thầu; các quy định về quản lý hàng dự trữ quốc gia đối với doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật thương mại.
Thêm vào đó, một số quy định về quản lý tiêu chuẩn chất lượng, thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia không còn phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật...
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như: mục tiêu dự trữ quốc gia, các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong dự trữ quốc gia; xã hội hóa trong dự trữ quốc gia...
Điều 1 của Dự thảo luật quy định mục tiêu dự trữ quốc gia nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, bình ổn thị trường, an sinh xã hội...
Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng mục tiêu mà dự án luật đề ra là quá rộng so với nguồn lực dự trữ quốc gia và chưa phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu thực tế là ngay cả những quốc gia phát triển trên thế giới, có tiềm lực dự trữ quốc gia mạnh thì nguồn dự trữ quốc gia cũng chỉ được sử dụng nhằm ứng phó với những vấn đề quốc phòng an ninh, tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, cơ quan soạn thảo nên xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải, không hợp lý. Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong những trường hợp cấp bách, bất khả kháng.
Về dự trữ quốc gia bằng tiền, theo quy định của Dự thảo luật thì phạm vi hàng dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đại biểu đặt ra là có nên dự trữ bằng tiền không và dự trữ ở mức độ nào. Qua thảo luận đa số các ý kiến đề nghị không nên quy định dự trữ quốc gia bằng tiền mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải mục tiêu của dự trữ quốc gia nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với những tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Tiền trong những trường hợp này cũng chỉ để mua hàng hóa, vì vậy chỉ hàng hóa mới có thể đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với những tình huống này.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tiền lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế, việc quy định dự trữ quốc gia bằng tiền sẽ khó phát huy tối đa giá trị, phát sinh nhiều phức tạp trong quản lý, sử dụng.
Xung quanh vấn đề xã hội hóa trong dự trữ quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, dự trữ quốc gia lấy từ một nguồn duy nhất từ Ngân sách Nhà nước sẽ không khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động của dự trữ quốc gia.
Do vậy, trong điều kiện hiện nay, để tăng cường sức mạnh dự trữ quốc gia thì cần thiết phải xã hội hóa nguồn lực dự trữ quốc gia, tạo cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn lực khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước tham gia.
Cùng quan điểm nên xã hội hóa trong dự trữ quốc gia, nhưng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, không nên xã hội hóa tất cả các mặt hàng, vì có những mặt hàng cần được quản lý theo chế độ mật, chỉ nên xã hội hóa một số mặt hàng thiết yếu, cụ thể có thể huy động tại chỗ trong nhân dân, doanh nghiệp. Để huy động nguồn dự trữ quốc gia từ xã hội hóa, cần sớm có chính sách, cơ chế cho doanh nghiệp tham gia vào dự trữ quốc gia.
Các nội dung về: chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia; danh mục hàng dự trữ quốc gia; mua bán hàng dự trữ quốc gia, dự trữ quốc gia có cần thiết phải Kiểm toán nhà nước... đã được nhiều đại biểu cho ý kiến tại cuộc họp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cơ bản tán thành nhiều nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách. Tuy nhiên, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, chưa thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung ý kiến của các đại biểu, làm rõ thêm một số nội dung để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.../.