Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác 2022 & Kế hoạch kiểm toán 2023 của Kiểm toán nhà nước
Từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang hiện đại
Thực tế hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong những năm vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp đang càng ngày càng phát triển hoạt động kinh doanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều nghiệp vụ ngày càng phức tạp, ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động quản lý tài chính và nghiệp vụ. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đang đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong các hoạt động kiểm toán như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai kiểm toán từ xa, sử dụng công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm trong kiểm toán tài nguyên, môi trường góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán; thực hiện nghiêm quy định về thời gian phát hành BCKT và công khai kết quả kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn
Theo Phó Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn, trong những tháng đầu năm 2022, toàn ngành Kiểm toán nhà nước đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác. Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thể chế hóa kịp thời bằng nhiều Kế hoạch, Nghị quyết, Chương trình, Chỉ thị để tổ chức thực hiện; tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng kiểm toán trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương...
Đáng chú ý, Kiểm toán nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, đổi mới phương thức kiểm toán; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về phẩm chất liêm chính, bản lĩnh, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Ngoài việc nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, Kiểm toán Nhà nước cũng đã tập trung nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán cuộc kiểm toán thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo sát, thu thập, phân tích thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán sát hợp với từng đơn vị đầu mối kiểm toán, đồng thời chú trọng bố trí thời gian, nhân sự cho công tác kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị theo chức năng nhiệm vụ cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị, khắc phục. Do vậy, chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt, có nhiều kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đồng thời rút ngắn được thời gian khảo sát cũng như thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Đặc biệt, trong năm để thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Việc kiểm toán trên môi trường số đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán...
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách so với các nước trên thế giới; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khiêm tốn, thiếu tính hệ thống và đồng bộ; hoạt động kiểm toán trên môi trường số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần từng bước triển khai phù hợp.
Năm 2022, Kiểm toán nhà nước xác định tiếp tục triển khai các nội dung theo Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển của ngành; tích cực triển khai dự án “Xây dựng hệ thống nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đơn vị được kiểm toán của Kiểm toán nhà nước”; nhiều văn bản quản lý về công nghệ thông tin đã được ban hành; duy trì hoạt động an toàn, ổn định cho toàn bộ hệ thống mạng của Kiểm toán nhà nước; tăng cường sử dụng chữ ký số, thử nghiệm triển khai hệ thống họp không giấy tờ... Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước triển khai một số giải pháp về an toàn thông tin phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, tài liệu quan trọng qua mạng và trên phương tiện thông tin, viễn thông; triển khai thí điểm hệ thống Cổng thông tin của Kiểm toán nhà nước và chính thức đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo nhanh trong toàn ngành, qua đó đã giúp cho cán bộ, lãnh đạo các cấp của Kiểm toán nhà nước xử lý văn bản, tra cứu thông tin cán bộ, văn bản pháp luật, lịch công tác, đào tạo, kiểm tra, theo dõi hoạt động kiểm toán… thuận tiện, kịp thời.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-KTNN ngày 17/11/2021 về Ban hành Bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước; Quyết định số 963/QĐ-KTNN ngày 15/7/2022 quy định về tiêu chí, thang điểm, tiêu chuẩn đánh giá thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và đoàn Kiểm toán nhà nước, theo đó đã quy định rõ việc trừ điểm đối với thành viên đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán nếu không ứng dụng các phần mềm của Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện khảo sát đánh giá tổng thể về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Kiểm toán nhà nước để phục vụ cho việc “Xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu của Kiểm toán nhà nước” được thống nhất, đồng bộ, sát yêu cầu nghiệp vụ cuả ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán
Về vấn đề này, các ý kiến đề nghị Kiểm toán nhà nước báo cáo rõ kết quả việc triển khai Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng hệ thống nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đơn vị được kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và việc nhân rộng các cuộc kiểm toán từ xa trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong giai đoạn tới, Kiểm toán nhà nước cần đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhằm giảm bớt thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả cho các cuộc kiểm toán. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành đối với các Đoàn, tổ kiểm toán, các kiểm toán viên nhà nước trong quá trình kiểm toán để phòng, tránh hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, tổng kết việc thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán từ xa. Bên cạnh đó, có giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc cụ thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán…/.