• Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Hội đồng Nhân dân
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG, LÀM RÕ CÁC QUY ĐỊNH CÓ TÍNH ĐẶC THÙ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

    22/09/2022

    Chiều 22/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) Dự án Luật Phòng thủ dân sự

    Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự

    Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, việc xây dựng Dự án Luật Phòng thủ dân sự là nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

    Nội dung Dự án Luật quy định chi tiết về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục các dạng thảm họa, sự cố; chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự; kế hoạch về phòng thủ dân sự; hệ thống công trình phòng thủ dân sự.

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

    Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự, Dự án Luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương và các cấp địa phương. Dự thảo Luật giao “Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương”.

    Thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Uỷ ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, báo cáo rà soát văn bản cần chỉ rõ những nội dung quy định chưa thống nhất, thiếu hoặc chồng chéo để quy định trong dự thảo Luật. Thường trực Uỷ ban cũng đánh giá, bố cục của dự thảo Luật được xây dựng cơ bản hợp lý, nhưng đề nghị cần bám sát khái niệm “phòng thủ dân sự” để thiết kế thêm một số nội dung cho phù hợp, thống nhất, bảo đảm cân đối giữa các nội dung lớn, giữa các chương, mục và nghiên cứu bổ sung, làm rõ thêm các quy định về phân công, quan hệ phối hợp.

    Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

    Đối với vấn đề phân loại cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung quan trọng, nhưng quy định này chưa rõ mối quan hệ với các cấp độ, sự cố, rủi ro cụ thể tại các luật chuyên ngành; việc quy định căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự chưa có cơ sở, tiêu chí cụ thể, khó áp dụng; quy định mức độ gây thiệt hại chưa cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để khi có tình huống xảy ra sẽ kích hoạt ngay các biện pháp phòng thủ dân sự tương ứng.

    Bên cạnh đó, về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, việc dự thảo Luật giao thẩm quyền cho các chủ thể cho ban bố, bãi bỏ các cấp độ phòng thủ dân sự cần được nghiên cứu kỹ vì thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành của các chủ thể này đã được pháp luật quy định; đồng thời nội dung này cũng chưa thống nhất về thẩm quyền xác định cấp độ, mức độ sự cố tại một số luật, do đó cần được tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ.

    Nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ các quy định có tính đặc thù của lực lượng phòng thủ dân sự

    Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, các dạng thảm họa, sự cố và đánh giá mức độ rủi ro về thảm hoạ, sự cố, phân loại cấp độ phòng thủ dân sự và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự…

    Phát biểu ý kiến vào một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã kịp thời chỉnh lý nhiều nội dung của Dự án Luật; Báo cáo thẩm tra đã làm rõ nhiều nội dung đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành. Trong Dự luật đã bổ dung khái niêm về phòng thủ dân sự, tuy nhiên cần đưa khái niệm phòng thủ đất nước vào trong Dự luật để đảm bảo tính chính xác, rõ ràng, tường minh khi áp dụng. Quan tâm đến một số nội dung của Luật này có liên quan đến Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, về vấn đề cấp độ phòng thủ dân thì Dự luật có đưa ra 4 cấp độ. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm lại phân ra các cấp độ khác. Do vậy, cần nghiên cứu thêm để đảm bảo sự hài hòa, tương thích giữa các luật khi áp dụng trong thực tiễn.

    Góp ý về Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, một số nội dung quy định cụ thể trong Dự án Luật này vẫn còn chưa thống nhất với các luật chuyên môn, cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Điều 21 về cấp độ phòng thủ dân sự hiện mới chỉ phân loại cấp độ theo lãnh thổ phòng thủ, việc sử dụng từ ngữ còn chưa đảm bảo tính chính xác, tính bao quát cho các trường hợp, chưa tính đến các trường hợp đặc biệt, đề nghị cần rà soát, nghiên cứu lại việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, đảm bảo tính khả thi.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

    Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự, đặc biệt là trong việc bổ sung, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022. Đến nay, cơ bản hồ sơ dự án Luật đã tương đối đạt yêu cầu để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những thuận lợi trong xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự là cơ sở chính trị đã được xác lập vững chắc, dựa trên các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, chủ trương chính sách đã rõ, vấn đề cần giải quyết là về khía cạnh kỹ thuật lập pháp. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với cách tiếp cận đúng đắn, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự sẽ góp phần thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến các tình trạng khẩn cấp, phòng thủ dân sự, đảm bảo không mâu thuẫn với các luật chuyên ngành trong ứng phó thiên tai, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, sự cố an ninh… Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo phạm vi của Dự án Luật bao trùm toàn bộ các lĩnh vực, các trường hợp, không để lại khoảng trống pháp luật, đồng thời tạo cơ chế thống nhất về nhận thức, về lãnh đạo, về chỉ huy trong phòng thủ dân sự.

    Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đầu tư nghiên cứu nội dung quy định về thiết chế, cơ cấu, tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy trong công tác phòng thủ dân sự. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cần tạo lập ra một thiết chế chỉ huy chung, vẫn giữ các nhánh về phòng chống thiên tai; ứng phó sự cố, thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh; phòng cháy chữa cháy. Các Bộ ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước về các nhánh này cần tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Dự án Luật cần tận dụng những quy định sẵn có trong các luật chuyên ngành, những điều đang vận hành tốt, được thực tế kiểm nghiệm; cần khái quát, luật hóa các điểm liên quan đến cơ cấu, cơ chế, tổ chức, chỉ huy, làm cơ sở để triển khai trong thực tiễn.

    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận

    Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu dự thảo Luật này cần quy định chung nhất, quy định có tính đặc thù của lực lượng phòng thủ dân sự mà các luật khác chưa quy định; luật hóa những hoạt động thực tiễn thời gian qua nhưng chưa được quy định trong các điều luật khác; về áp dụng pháp luật, ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành.

    Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Trong đó, cần làm rõ một số nội dung như: về hồ sơ dự án Luật, cần bổ sung đánh giá tác động đối với các chính sách và quy định cụ thể được bổ sung trong dự thảo mới, nhất là những nội dung về tổ chức, nguồn lực, kinh phí, ngân sách…; tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm thể chế đầy đủ Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, chuẩn hóa nguyên tắc phòng thủ dân sự, làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với các luật chuyên ngành; thống nhất nội dung dự thảo Luật với quy định về phòng thủ dân sự tại Điều 13 Luật Quốc phòng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan; làm rõ các quy định về thảm họa, các dạng thảm hoạ, đánh giá mức độ rủi ro thảm hoạ sự cố, các cấp độ ban bố phòng thủ dân sự và cấp có thẩm quyền ban bố phòng thủ dân sự để không chồng chéo với các luật khác, bảo đảm tính khả thi.

    Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh: 

    Các đại biểu tại phiên họp

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cần tạo lập ra một thiết chế chỉ huy chung, vẫn giữ các nhánh về phòng chống thiên tai; ứng phó sự cố, thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh; phòng cháy chữa cháy.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc phân loại các dạng thảm họa, sự cố còn chung chung, cần rà soát để tránh bị trùng lắp

    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát, nghiên cứu lại việc phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, đảm bảo tính khả thi.

    Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần nghiên cứu thêm để đảm bảo sự hài hòa, tương thích giữa các luật khi áp dụng trong thực tiễn

    Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oang giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4

    Hồ Hương- Phạm Thắng

    Các bài viết khác