TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 12/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH

12/10/2023

14h00 chiều 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/10: GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ ‘’VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016-2021’’

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Sau báo cáo Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu và báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung chi tiết:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều nay, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo.

14h02: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành. Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Cụ thể, về Chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: (i) Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (ii) Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Nghị quyết số 43/2022/QH14 quy định: Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Nghị quyết số 43/2022/QH15 quy định: Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030...

Về Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).

Liên quan đến chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc xây dựng danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã được thực hiện phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng bố trí vốn quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư cần thiết các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, bao gồm cả các dự án quan trọng quốc gia, dự án quy mô lớn, yêu cầu phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương, nỗ lực triển khai để giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình.

Số vốn của Chương trình được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trong kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN các năm 2022, 2023 là gần 154 nghìn tỷ đồng.

Đối với việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Việc báo cáo trích lập, điều chuyển và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được tổng hợp theo niên độ với độ trễ 01 năm nên hiện nay chưa có số liệu thực hiện.

Đối với việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, học sinh đã đi học trực tiếp tại trường, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai thực hiện các quy định hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đến các vùng khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. 

Về những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được triển khai tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra. Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện; trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, rất phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo, yêu cầu thích ứng linh hoạt, có các định hướng, giải pháp ưu tiên khác nhau trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế...

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: (i) Xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay; (ii) Cho ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác.

14h19: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số  43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 

Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số  43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. 

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025, từ đó đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhìn chung, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023.

Về chính sách tài khóa, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,1% kế hoạch, trong đó chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra và hiện nay vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn nhưng không có nguồn lực để bố trí.

Bên cạnh đó, việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm; ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách tiền tệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 43, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo số liệu giải ngân gói hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; gói hỗ trợ đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế; gói hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm; bổ sung đánh giá kết quả huy động nguồn lực thực hiện các chính sách (Điều 4)…

14h32:  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những nội dung trọng tâm như: việc thực hiện phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, yếu kém trong việc triển khai Nghị quyết 43 và các chính sách của Nghị quyết.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về: nhiệm vụ và các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 43; các đề xuất, kiến nghị của Chính phủ và hướng xử lý các đề xuất, kiến nghị này; việc Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cho biết đề xuất của Chính phủ đã đủ điều kiện để trình Quốc hội hay chưa, hình thức thể hiện quyết định của Quốc hội có thể đưa vào Nghị quyết Kỳ họp sắp tới hay không?

14h36: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh thống nhất với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng thời quan tâm đến khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 43 về việc khai thác nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã quy định nội dung cần xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng, nhằm kịp thời áp dụng trong thời gian triển khai thực hiện Chương trình. 

Tại kế hoạch số 81, Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thời gian qua, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng đã đôn đốc và lưu ý Chính phủ, các bộ ngành liên quan triển khai nhiệm vụ lập pháp này để tạo nguồn cho Chương trình. 

Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật theo quy định, dẫn đến chưa thực hiện được toàn diện, đầy đủ các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết 43, góp phần kịp thời khai thác các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng cho biết,  tại khoản 8 Điều 6 của Nghị quyết 43, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp được trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để áp dụng đối với chi phí tài sản cố định và chi phí lao động; phương án tăng thuế đối với các giao dịch chứng khoán bất động sản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này; qua theo dõi trên thực tế cũng chưa triển khai thực hiện; đề nghị Chính phủ lưu ý triển khai vấn đề này.

Về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn của chương trình đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình, do Chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu thực tế, trong khi các bước chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn cũng không thể nhanh. Do vậy, Nghị quyết 93 của Quốc hội cũng đã quyết nghị cho phép điều hòa vốn của Chương trình phục hồi với các dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực tế cho thấy chủ trương này đã góp phần khơi thông dòng vốn của Chương trình phục hồi và các dự án đang triển khai của kế hoạch đầu tư công trung hạn.  

Trong những năm tới đặc biệt những năm cuối của nhiệm kỳ, chúng ta cũng cần nguồn vốn của chương trình đầu tư công trung hạn điều hòa trở lại để thực hiện để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Chương trình phục hồi.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với phần vốn còn dư này.

14h42: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Chính phủ đã rất tích cực triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội, khi Nghị quyết được ban hành đã cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ.

Trong bối cảnh gấp gáp, khẩn trương, có thể nói, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chưa có tiền lệ, khẩn cấp, thời gian thực hiện rất ngắn. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, đến nay, có những nội dung có tiến độ giải ngân rất thấp dẫn đến việc phát huy hiệu quả của Nghị quyết còn hạn chế. ...

Đối với việc đánh giá tình hình thực hiện chính sách và sử dụng 5.000 tỷ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, trong đó có 4.000 tỷ đối với các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng, để triển khai được nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông phải báo cáo thêm. Qua theo dõi, hiện nay vẫn chưa ban hành được thiết kế tiêu chuẩn, suất đầu tư của các công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng như chi phí để duy trì vận hành các cơ sở này, mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Bên cạnh đó, đối với việc hỗ trợ phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ ở các thôn, bản, Chủ nhiệm Lê Quang Huy chỉ rõ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung này nhưng vẫn đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch thực hiện. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần cân nhắc, tạm thời chưa triển khai chương trình hỗ trợ 400.000 máy tính cho đến khi có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về hình thức học trực tuyến; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

14h48: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận thấy Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời vào thời điểm cần thiết, các nội dung chính sách được thiết kế chính xác phù hợp với bối cảnh. Qua giám sát cho thấy các nội dung chính sách đã hỗ trợ nhiều cho phục hồi nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức thực hiện một số chính sách còn chậm giải ngân, một số nội dung thực hiện khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ rõ như chính sách hỗ trợ vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho học sinh, sinh viên được giải ngân tương đối tốt. Trong khi đó, Chương trình sóng và máy tính cho em dù được ban hành kịp thời nhưng việc giải ngân lại đạt thấp. 

Về lĩnh vực du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết nhóm chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực du lịch được ưu tiên nhiều. Qua đó góp phần du lực nước ta mở cửa sớm, đến nay du lịch nội địa phục hồi tốt. Tuy nhiên phần khách du lịch quốc tế dù vượt chỉ tiêu đề ra nhưng chưa đạt mức phục hồi như năm 2019 và mỗi thị trường lại có mức độ phục hồi khác nhau. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, trong du lịch hưởng chung chính sách về miễn giảm thuế, theo đó, Chính phủ ban hành nhiều nghị định để hướng dẫn về chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2002 đối với đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19. 

Liên quan đến nhóm chính sách tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết có nhiều văn bản quy định nhưng việc giải ngân hõi hỗ trợ lãi suất 2% đạt thấp, đề nghị Ngân hàng Nhà nước trao đổi làm rõ thêm.

Liên quan đến nhóm chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 448 hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách lãi suất cho vay hiện hành trên 6% năm; cho vay, hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đặc biết, trong lĩnh vực du lịch, Chính phủ đã làm được việc rất lâu chưa làm được là cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Chính phủ cũng đã ban hành quyết định và đã thực hiện các nội dung này.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao việc sửa đổi chính sách về thị thực qua đó góp phần tăng nhanh khách quốc tế, cho thấy chính sách ban hành kịp thời có ý nghĩa kích thích rất lớn. Qua phân tích các nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận các chính sách trong lĩnh vực du lịch được ban hành tương đối đầy đủ và được thực hiện tương đối tốt. Mặc dù còn có những chính sách đã ban hành nhưng chưa thực hiện được như giảm tiền điện, tiền nước.

14h55: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Nghị quyết 43 là chủ trương đúng đắn, kịp thời, là sáng kiến quan trọng đem đến nhiều kết quả tích cực. Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11, đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác theo thẩm quyền.

Đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực, tâm huyết của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về việc giải ngân cho chính sách cho vay, giải quyết việc làm, công tác này được triển khai tốt, nhưng cần đánh giá hiệu quả của việc giải ngân 100% theo kế hoạch có đạt được mục tiêu như đã đề ra ban đầu. 

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hiện nay việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, điều kiện sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cùng nhiều đối tượng khác còn đang gặp nhiều khó khăn, nên cần cân nhắc, nghiên cứu, rà soát kỹ việc cắt giảm các mức hỗ trợ theo chính sách đã đề ra. 

Về việc cắt giảm kế hoạch vốn của chương trình đối với một số dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc cắt giảm và không triển khai các dự án không còn khả năng thực hiện, giải ngân trong năm 2023 là cần thiết, tuy nhiên, nhiều dự án đã được lựa chọn kỹ lưỡng khi đưa vào chương trình, nhất là các dự án liên quan đến chuyển đổi số, đào tạo nghề, tăng cường kết nối cung cầu lao động, nâng cao năng lực quản trị điều hành đối với giáo dục mầm non, ứng dung công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở giáo dục đại học. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thêm để có quyết định phù hợp.

15h09: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu

Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 43 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, 5000 tỷ từ Quỹ viễn thông công ích chia thành 2 nội dung: 1000 tỷ hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “máy tính bảng cho em”. Năm 2021, Chương trình Quỹ viễn thông công ích được phê duyệt thì Bộ đã ban hành Thông tư để triển khai thực hiện Chương trình. 

Qua khảo sát, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Chính phủ tạm dừng lại chương trình này do mục đích của chương trình không còn và hiện không còn tổ chức dạy và học trực tuyến, không sử dụng máy tính bảng. Do đó, hai Bộ quyết định chuyển hướng sang hỗ trợ các em học sinh hộ nghèo và cận nghèo thay vì hỗ trợ máy tính bảng thì hỗ trợ máy tính thông minh với 1000 tỷ đồng. Dự tính hộ trỡ khoảng 1 triệu máy tính thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ cho việc chuyển đổi số. Hiện nay Bộ đang trình Chính phủ để chuyển hướng như vậy. Do vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBTVQH xem xét và cho phép đưa 1000 tỷ đồng này ra khỏi Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Về hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông với 4000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, giai đoạn vừa qua, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng 2164 thôn bản, hiện còn khoảng 400 thôn bản chưa được phủ sóng; tỉ lệ phủ sóng của nước ta hiện cao hơn bình quân thế giới. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng giải trình thêm về nguyên nhân chưa giải ngân được thời gian qua. Dự kiến thời gian tới và các năm tiếp theo sẽ cố gắng giải ngân 4000 tỷ đồng này.

15h15: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu giải trình một số vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, bối cảnh trong 2 năm vừa qua khác biệt so với thời gian trước đó, năm 2022 các quốc gia trên thế giới phải đối tập trung chống lạm phát, các ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ và thu tiền về. Như vậy, ở trong nước cũng khó tránh bị ảnh hưởng, nên lạm phát của Việt Nam tăng liên tục, tháng sau tăng hơn so với tháng trước.

Cùng với đó, khi  Mỹ và các nước tăng lãi suất, đồng đô la Mỹ và các đồng tiền chủ chốt lên giá nên đồng Việt Nam và một số đồng tiền khác mất giá so với đô la Mỹ đô đã tạo áp lực lớn với tỷ giá. Năm 2023, quốc tế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tiếp tục tăng lãi suất… Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải xử lý hài hòa mối quan hệ tiền tệ trong nước, trong đó trong mọi tình huống phải giữ ổn định và đảm bảo thanh khoản; về cơ bản thanh khoản được giữ kể cả sự cố của ngân hàng SCB.

 Về lãi suất, năm 2022, giữ lãi suất ổn định trong 9 tháng nhưng cuối tháng 9 và tháng 10 buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và chịu ảnh hưởng của áp lực tỷ giá để giữ thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đầu năm 2023, khi lạm phát giảm dần và ngưng lại, Ngân hàng Nhà nước đã tranh thủ điều kiện thuận lợi đó và giảm lãi suất từ tháng 3 và đến tháng 5 đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất thị trường cũng theo đó giảm theo; lãi suất thị trường đã giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái; đặc biệt lãi suất cho vay ưu tiên giảm còn 4%, so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 43 đã đạt được.

Vấn đề thứ ba trong điều hành đó là tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành phù hợp với khả năng hấp thụ vốn cũng như nhu cầu của nền kinh tế. Kết thúc 3 quý, tăng trưởng khoảng 4,2% GDP, tín dụng chỉ tăng có 6,92%. 

Ngân hàng nhà nước đánh giá tín dụng năm 2023 khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nên đã rất nhiều biện pháp đề ra như: đối với dư nợ cũ đã ban hành Thông tư 02 cho phép đến hạn mà khách hàng chưa trả được nợ cho phép cơ cấu lại nợ và tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ.

 Với dư nợ mới, Ngân hàng nước cũng đã ban hành Thông tư 06 cho phép cho vay trên môi trường điện tử và một số các điều kiện khác như cho vay để trả nợ ngân hàng khác hay cho vay để trả nợ phần trả chậm hàng hóa nước ngoài để thúc đẩy tín dụng mới…

15h26: Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 43 là rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng, có tác động tích cực đối với tình hình kinh tế và các doanh nghiệp. Những kết quả phục hồi tích cực trong năm 2022, 2023 có đóng góp quan trọng từ Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng như Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Về thực tiễn thực hiện nghị quyết, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, tốc độ phản ứng chính sách rất nhanh, tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách lại chậm hơn, chưa đồng tốc với việc ban hành chính sách. Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhanh, có hiệu lực sớm, tuy nhiên, cũng có những chính sách bị triển khai muộn, chưa đồng đều giữa ban hành và thực hiện, cũng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng đều giữa các cơ quan triển khai. 

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, tính thời điểm là rất quan trọng đối với Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội. Nếu thực hiện chậm thì chính sách sẽ không còn phát huy được hiệu quả, ý nghĩa như ban đầu. Tiêu biểu là chính sách hỗ trợ tiền thuê nha, mục tiêu là để khuyến khích lực lượng công nhân quay trở lại lao động, tuy nhiên do thực hiện chậm nên hiệu quả chưa được như ý. Một ví dụ khác là chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, nếu không thực hiện kịp thời thì học sinh đã quay trở lại học tập trực tiếp bình thường, chương trình không phát huy được hiệu quả tức thời, trong thời điểm quan trọng nhất. 

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, có những chính sách, mức độ nhận biết và mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp rất cao, nhưng ngược lại, có những chính sách thì mức độ thụ hưởng ít hơn. Đây là kinh nghiệm trong thiết kế các chương trình trong thời gian tới, để đảm bảo các doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng có thể dễ dàng tiếp cận với chính sách. 

Đại diện VCCI kiến nghị tiếp tục triển khai một số chính sách để tiếp tục kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, hoặc điều chuyển một số chương trình để có nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế.

15h33: Nghỉ giải lao (20 phút)

 

15h50: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán một số nội dung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và sẽ có báo cáo đầy gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Báo cáo một số nội dung cơ bản, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ chia sẻ, qua kết quả kiểm toán, sau gần 2 năm triển khai, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm kiểm toán cho thấy, các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng, góp phần phục hồi ngay hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. 

Bên cạnh đó, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo tại Nghị quyết số 23 của Quốc hội, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Chính sách cũng đã tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; việc phòng, chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. 

Đối với việc thực hiện bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương với tổng kinh phí là 3679,3 tỉ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến hết tháng 8 đạt 20.347 tỉ đồng cho gần 360.000 đối tượng khách hàng vay vốn, trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 10.000 tỉ đồng, đạt 100 % kế hoạch. Đồng thời cũng đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đối với khoản vay có lãi suất cho vay thêm 6% là 2390 tỉ đồng.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, áp lực giải ngân số vốn còn lại của chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 rất lớn, việc thực hiện giải ngân toàn bộ vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan trung ương cũng rất khó khả khả thi. Kết quả kiểm toán cho thấy, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu Nghị quyết 43 tại thời điểm kiểm toán vào tháng 8/2023. Trong đó, có 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn, 59 dự án chưa được thực hiện giải ngân vốn. Do đó, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất danh mục dẫn đến mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của chương trình.

16h04: Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn, khối lượng nội dung lớn, nên quá trình tổ chức triển khai có một số nội dung không đạt được kế hoạch đặt ra.

Về vốn tín dụng chính sách xã hội, đây là nội dung thực hiện thành công, cùng với quy mô vốn tín dụng chính sách hiện có đang giao cho ngân hàng chính sách xã hội, chúng ta đã hỗ trợ cho hàng triệu hộ gia đình, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hút số lao động bị mất việc làm ở khu vực công nghiệp, khu vực xuất khẩu lao động bị mất việc làm vào làm việc, ổn định xã hội. 

Về nội dung hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động, theo dự toán Nghị quyết 43, chúng ta tiến hành hỗ trợ cho 4,4 triệu lao động. Các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động, sử dụng trong phạm vi kinh phí Quốc hội cho phép, tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn so với dự kiến, do người lao động muốn đợi gộp 3 tháng lĩnh một lần. 

Về nâng cấp, hiện đại hóa 11 cơ sở trợ giúp xã hội, 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các địa phương đang thực hiện tốt, cơ bản thực hiện đúng theo tiến độ Quốc hội giao. Với một số dự án của Bộ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội giảm số vốn đối với 5 dự án, do các cơ sở y tế của bộ vừa có chức năng phục hồi, vừa có chức năng trợ giúp xã hội, nên Bộ đã thống nhất với Kiểm toán nhà nước đưa ra đề xuất này.

16h09: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo quy định tại Kỳ họp thứ 6 này Chính phủ phải báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua nghe trình bày các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Chính phủ và thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn lại tình hình thực hiện cho thấy giá trị của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội gợi nhắc việc ban hành nghị quyết này công phu và kỳ công với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đã đầu tư dành nhiều thời gian, tổ chức nhiều tọa đàm, diễn đàn để nghiên cứu các chính sách. Dự thảo Nghị quyết khi trình Quốc hội đã đạt được đồng thuận thống nhất cao. 

Kết quả thực hiện đã cho thấy Nghị quyết được ban hành một cách đúng đắn, kịp thời. Qua nghị quyết đã bổ sung lượng vốn lớn cho nền kinh tế góp phần phục hồi nhanh kinh tế - xã hội sau đại dịch. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá thêm tác động, ý nghĩa của nghị quyết. 

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm đối với một số nội dung cụ thể. Theo đó về điều chỉnh nguồn lực thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực tiễn triển khai rất tốt, đi vào cuộc sống nhanh. 

Đối với một số vốn mà đến cuối năm 2023 không giải ngân hết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Kinh tế tính toán thêm nếu kéo dài thêm 1 năm thực hiện chính sách này thì các chính sách tín dụng khác sẽ triển khai thêm được bao nhiêu như chính sách cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, vốn vay cho học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay cá nhân mua nhà, thuê mua nhà xã hội, cho xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi…Nếu tiếp tục thực hiện các chính sách này gia hạn thêm 1 năm thực hiện thì Ngân hàng hính sách sẽ giải ngân được bao nhiêu và phần còn lại mới dồn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm. Ngoài ra cón có phương án 2 là kết thúc các chương trình tín dụng trên trong năm 2023 và dành cho vốn cho vay giải quyết việc làm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị  Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cụ thể hơn khả năng giải ngân. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình thêm về việc xin rút các chương trình. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tính đối với nội dung đề xuất đối với Bộ Giáo dục Đào tạo. 

Về triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế tại Hậu Giang triển khai rất tốt nội dung này và có kiến nghị tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách này từ nay đến cuối năm. Trường hợp việc thực hiện quá khó khăn thì nhất trí không làm nữa.

Về kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng để vừa thúc đẩy việc giải ngân thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội thì nên chăng tính thêm phương án cho kéo dài đến hết 2024 và tại kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ cho ý kiến tiếp.

16h24: Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội phát biểu

Giải trình làm rõ thêm về gói hỗ trợ lãi suất, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, gói hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội là 3000 tỷ đồng, còn nguồn vốn đề nghị trung chuyển 6.100 tỷ đồng là nguồn tăng trưởng dư nợ không phải nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất qua Ngân hàng Chính sách xã hội với các khoản vay lãi suất trên 6% là 3.000 tỷ đồng, cơ bản hiện còn 49 tỷ. Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, dự kiến hết tháng 10 sẽ dừng hỗ trợ lãi suất vì đã hết tiền hỗ trợ. 

Tại thời điểm 8/8/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có báo cáo Chính phủ đề nghị chuyển nguồn giữa các chương trình của Nghị quyết 11 với số tiền 16.100 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay hiện có 1 số dự án nhà ở xã hội được mở bán và phát sinh nhu cầu và cho vay theo CTMTQG cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ, một số địa phương đã được tháo gỡ khó khăn.

Do vậy, qua giám sát nhu cầu hiện nay đến hết năm 2023 liên quan đến kế hoạch giải ngân, Ngân hàng Chính sách xã hội cam kết từ nay đến hết 31/12/2023 sẽ giải ngân hết số tiền là khả thi trên cơ sở nhu cầu của các địa phương.

16h29: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung được nêu tại phiên thảo luận

Phát biểu giải trình các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thống nhất và tiếp thu các ý kiến đã nêu tại Phiên họp.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư phát triển nếu Quốc hội cho phép kéo dài đến năm 2024 sẽ ngắn, bởi hiện có một số dự án quan trọng quốc gia mới bắt đầu bắt đầu thực hiện các thủ tục triển khai thủ tục, có dự án hiện mới bắt đầu giải ngân. Ví dụ cao tốc Bắc Nam, cầu Đại Ngãi, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, trong một năm có thể không kịp giải ngân. Vì vậy, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài đến năm 2025, cụ thể, khoản chuyển nguồn để đảm bảo tính chủ động và khả thi kéo dài đến hết năm 2024; khoản đầu tư phát triển cho phép kéo dài đến hết năm 2025.

16h31: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội chỉ cho phép trong năm 2022 và 2023, nếu cho phép kéo dài thì vẫn băn khoăn về tiến độ triển khai thực hiện. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần cho phép kéo dài việc thực hiện Nghị quyết, đến kỳ họp tháng 10/2024, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét về việc thực hiện Nghị quyết này; đồng thời đề xuất nội dung trên quy định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp sắp tới.

16h33: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế xã hội đất nước vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, đã giúp cho việc phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tốt, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn rất khó khăn, được cử tri, nhân dân, các doanh nghiệp đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, kiểm soát dịch và phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đến nay còn một số mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời hạn thực hiện vẫn không đạt, hoặc đạt hiệu quả chưa cao, do đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội. 

Về tình hình thực hiện nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 43, đánh giá cụ thể tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, kết quả huy động các nguồn lực, kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết, hiệu quả giải ngân trong lĩnh vực y tế, đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, trợ giúp việc làm…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 và xây dựng dự thảo Nghị quyết gửi cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thẩm tra, chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác