TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/3: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

15/03/2024

Theo dự kiến chương trình làm việc, 14h00 chiều 15/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 14/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp 

Theo đó, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, đồng thời tiến hành thảo luận, cho ý kiến.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật chi tiết nội dung phiên họp:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ; thời gian từ 14h đến 15h30.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban An toàn giao thông quốc gia. Các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp cử cán bộ cấp vụ dự.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày tóm tắt báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Đường bộ.

14h01: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về các nội dung: bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; hệ thống giao thông thông minh; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, căn cứ ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật hiện hành và trao đổi, thống nhất với Ban soạn thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tiếp thu tối đa ý kiến ĐBQH, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm thống nhất giữa hai dự thảo Luật.

Đối với quy định về hệ thống giao thông thông minh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong dự thảo Luật chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi. 

Về quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xây dựng 02 phương án quy định điểm c khoản 2 Điều 32 trong dự thảo Luật như sau:

- Phương án 1: quy định cho phép Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng quốc lộ tại điểm c khoản 2 Điều 32; đồng thời bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công tại khoản 4, khoản 5 Điều 90 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. 

- Phương án 2: cơ bản giữ nội dung điểm c khoản 2 Điều 32 như dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng bổ sung nội dung điểm đ khoản 3 Điều này quy định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan. 

Đối với hoạt động quản lý, vận hành khai thác và bảo trì quốc lộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho quy định theo hướng điều chuyển đoạn tuyến quốc lộ đó cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, theo đó bổ sung điểm c khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về quy định chung đối với đường cao tốc, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực; mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật. 

Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, về cơ bản việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch không làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án, nhưng lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và về tổ chức thực hiện dự án. Đối với điểm hạn chế về quản lý, sử dụng phần đất chưa đầu tư xây dựng tại giai đoạn phân kỳ, có thể áp dụng một số giải pháp như trồng cây xanh để tạo cảnh quan, tận dụng phần đất này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về phí sử dụng đường cao tốc, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với nội dung này trong dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại Điều 90 dự thảo Luật.

Về trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 165/QĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý về an ninh trật tự, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Quyết định số 165/QĐ-TTg chưa xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án. Nếu quy định đây là nội dung bắt buộc trong đầu tư xây dựng đường cao tốc sẽ tác động không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống đường cao tốc. Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho ý kiến và đề nghị Chính phủ đánh giá tác động bổ sung đối với chính sách này.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với đề nghị bổ sung điểm a khoản 3 Điều 90 để quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đề nghị cho bổ sung điểm c khoản 3 Điều 90 của dự thảo Luật để quy định việc sửa đổi, bổ sung Luật PPP về bố trí vốn theo phương thức “hòa chung với vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án”.

Về hiệu lực thi hành, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn các công việc đang triển khai trong ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 02 nội dung có hiệu lực sớm từ ngày 01/10/2024 gồm: quy định về thanh toán điện tử giao thông (Điều 46) và quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác (Điều 54, Điều 90) dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

14h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, luật đã được thảo luận tại tổ, tại hội trường với rất nhiều ý kiến đóng góp tham gia vào dự thảo luật. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan, tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tiếp thu ý kiến của người dân, các chuyên gia các nhà khoa học, để tiếp thu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, dự án luật này còn 13 vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề như, dự thảo luật chỉnh lý đã bám sát các quan điểm của Đảng, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa, đã tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa?

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần xem xét kỹ các quy định cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và thống nhất với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hay chưa, tránh chồng chéo trong áp dụng, thực thi sau này. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu luật hoá các vấn đề đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá kỹ các vấn đề xung quanh phạm vi điều chỉnh, các quy định liên quan đến giao thông thông minh, quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ…

14h30: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, về mặt pháp lý, cơ quan soạn thảo đã có sự tiếp thu…

Liên quan đến nội dung đền bù giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, dự thảo luật cần có sự rà soát để quy định cho phù hợp hơn. “Bên cạnh đó, các quy định của dự thảo Luật lần này cần phải giữ nguyên tắc quốc lộ là Trung ương lo, còn tỉnh lộ là địa phương lo”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.

14h32: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cơ bản nhất trí với các nội dung mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã nêu trong Báo cáo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Về phát triển giao thông thông minh quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận thấy, Điều 5 mà Chính phủ trình có liên quan đến chính sách phát triển giao thông thông minh trong hệ thống đường bộ. Và hiện đã có một số điều luật để cụ thể hóa chính sách trong Điều 5. 

Cơ bản nhất trí với Điều 5, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Điều 43 và Điều 74 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ cần phân định rõ. Vì hai luật có những nội dung trùng nhau, do đó cần nghiên cứu thêm sao cho mạch lạc, tránh trùng lấn nhau.

Về các dự án liên quan đến đường cao tốc, trong đó có nội dung mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc gắn với các đường đã đầu tư từ trước mà có các trạm thu phí BOT, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy băn khoăn xử lý vấn đề này như thế nào, nên chăng để Chính phủ quy định chi tiết cho rõ ràng hơn.

14h35: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến của đại biểu cũng như ý kiến tham gia của Thường trực Ủy ban Pháp luật. 

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phân định rõ hơn giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời làm rõ, Luật Đường bộ thì điều chỉnh về các vấn đề về quy hoạch đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, tổ chức vận tải giao thông đường bộ hay nói gọn hơn là điều chỉnh về giao thông tĩnh.

Còn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh về giao thông trên đường bộ, tức là giao thông động cơ bản. Dù các nội dung lớn cơ bản đã đảm bảo phân định được giữa hai luật song cũng cần tiếp tục rà soát về câu chữ, cụ thể.

Liên quan đến Điều 3 giải thích một số từ ngữ, dự thảo Luật bổ sung  khái niệm về người quản lý sử dụng đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết đây là nội dung mới được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Chính phủ trình. Theo đó  người quản lý sử dụng đường bộ là chủ sở hữu, trực tiếp quản lý, sử dụng, vận hành khai thác công trình đường bộ hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng, vận hành khai thác công trình đường bộ. Nhưng qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy, ngoài thuật ngữ “người quản lý sử dụng đường bộ” thì dự thảo Luật còn sử dụng nhiều thuật ngữ liên quan đến nội dung này như người quản lý công trình hạ tầng, hay người quản lý sử dụng công trình đường bộ, người quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật chung với đường bộ, người quản lý sử dụng công trình thủy lợi, người quản lý sử dụng công trình chung,… Như vậy là các khái niệm trong dự thảo Luật rất đa dạng và còn có sự không thống nhất. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ thêm các khái niệm, nhất là các khái niệm chung, được sử dụng nhiều trong dự thảo Luật phải chính xác.

 Về quy định sử dụng hành lang an toàn đường bộ, dự thảo Luật quy định là khi hình thành cảng hàng không, cảng thủy nội địa, cảng ga đường sắt v.v thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư phải đánh giá tác động giao thông, có giải pháp phù hợp và xây dựng đường gom ngoài đường hành lang an toàn đường bộ để kết nối giao thông đường bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này chưa làm rõ được trách nhiệm phải đánh giá tác động giao thông và xây dựng đường gom giữa chủ đầu tư với  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm xây dựng đường nhánh, đường gom, đường bên kết nối với đường chính trong từng địa bàn khu vực bao gồm khu đô thị, khu công nghiệp, cảng hàng không…cần được rà soát kỹ hơn và đánh giá có cần thiết phải sửa đổi với nội hàm này hay không, để tránh việc tạo thêm thủ tục hành chính và tạo thêm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách không cần thiết.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát làm rõ các quy định về trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ và trách nhiệm đầu tư dựng đường cao tốc nội dung của dự thảo Luật liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công; các quy định liên quan đến Luật PPP, các quy định đề nghị có hiệu lực thi hành sớm hơn…để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

14h49: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu

Phát biểu về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ quan tâm tới quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng công trình đường bộ, quy định tại Điều 32 của dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo nghị quyết Trung ương, trong thời gian sắp tới Chính phủ sẽ trình đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo các điều kiện ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo. Vừa qua, chúng ta đã phối hợp các nguồn ngân sách trung ương và địa phương để xây dựng các đường quốc lộ trên địa bàn các tỉnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thực tiễn này xuất phát từ nguyên nhân những năm qua, các địa phương thu ngân sách cao, có điều kiện tốt, nên Quốc hội đã thống nhất chủ trương sử dụng phần ngân sách của các tỉnh để tham gia cùng ngân sách trung ương, thực hiện việc xây dựng một số đường quốc lộ. Tuy nhiên, về lâu dài, ngân sách của trung ương cơ bản giữ vai trò chủ đạo. 

Việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng hệ thống cao tốc quốc lộ trong những năm gần đây và trong thời gian sắp tới cũng chỉ tiếp tục trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, việc phối hợp ngân sách địa phương và Ngân sách trung ương là tạm thời trong hoàn cảnh trước mắt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng không nên vì tình hình đó mà sửa nguyên tắc trong Luật Ngân sách nhà nước.

14h54: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Quan tâm đến quy định về phân cấp quản lý ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình với ý kiến của đại biểu đã phát biểu trước đó. Trong đó, Luật Ngân sách đã quy định rất chặt chẽ, không phải là thiếu sót của Luật Ngân sách, trong đó ngân sách là thống nhất cấp quốc gia và đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách trung ương.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phê duyệt quy hoạch về phát triển giao thông quốc gia để trong trung và dài hạn phân bổ nguồn lực để quyết tâm hoàn thành theo thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc xương sống nhằm kết nối vùng. Do vậy, ngân sách quốc gia phải tập trung các nguồn lực ngắn hạn và dài hạn để đầu tư các quốc lộ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, an toàn và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển.

Còn các địa phương nên tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện, còn trách nhiệm của Trung ương là đầu tư các tuyến quốc lộ để tạo sự kết nối liên thông. Một số địa phương tham gia đầu tư quốc lộ có thể xem xét như trường hợp đặc thù,  chứ không phải vì có thể sử dụng ngân sách; dùng ngân sách địa phương này chi cho địa phương khác cũng hết sức hãn hữu, bởi ngân sách là thu chi của một cấp chính quyền do Hội đồng nhân dân và Nhân dân địa phương đó quyết định, nếu chi phải đúng thẩm quyền và quyết toán được. Do vậy, chỉ xảy ra trong một số trường hợp như thiên tai, bão lũ, công trình phúc lợi, xã hội, xóa đói giảm nghèo… Vì vậy, không nên luật hóa vào trong luật, nhưng có thể phân cấp để địa phương tham gia vào quá trình đầu tư, tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng; nếu đủ điều kiện có thể làm chủ đầu tư cao tốc, nhưng đây vẫn chủ yếu là trách nhiệm của ngân sách quốc gia.

15h03: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý vào dự thảo luật. Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng xin tiếp thu đầy đủ, sẽ phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

15h05: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục cùng với Chính phủ tiếp thu các nội dung để hoàn thiện dự án Luật Đường bộ.

15h06: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Kết luận nội dung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chủ động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được tiếp thu chỉnh lý. Dự thảo luật đã cơ bản thể chế hóa được quan điểm của Đảng, bám sát yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đủ điều kiện để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục cho ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan thẩm tra căn cứ vào các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tránh chồng chéo về nội dung, bảo đảm tính khả thi của luật khi được ban hành; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước; đánh giá kỹ tác động của các quy định mới, đảm bảo đạt được mục đích xây dựng luật; làm rõ các nội dung đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan…

Sau phiên họp, Chính phủ cần chỉ đạo ban soạn thảo thống kê danh mục, báo cáo đánh giá tác động cho các loại chính sách, cơ chế chưa có trong pháp luật hiện hành, hoặc luật hóa từ các quy định, thực tiễn, hoặc các cơ chế trái với quy định hiện hành để có hướng nghiên cứu, xử lý, đảm bảo luật hóa đầy đủ những nội dung đã chín, đã rõ, trên tinh thần cẩn trọng, chặt chẽ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội để thiết kế hoàn thiện các quy định trong luật, đảm bảo chất lượng của dự án luật đạt được các yêu cầu đặt ra, hướng tới trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác