Cần có chính sách đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển

20/02/2017

Chiều 20/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp                          Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 về một số cơ chế, chính sách tài chính -ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 12 năm thực hiện, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực đầu tư, phát huy vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, một số quy định tại Nghị đinh số 124/2004/NĐ-CP và Nghị định số 61/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã không còn phù hợp, cần sửa đổi để bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, thực hiện Kết luận số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Thành phố trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ xây dựng Nghị định mới quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn cần thiết.

Về mức dư nợ vay, Chính phủ đề nghị quy định: Mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định”.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với quy định này, vì thực tế cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có đóng góp đáng kể, trên 30% tổng thu nội địa của ngân sách nhà nước và 50% tổng thu cân đối xuất nhập khẩu của cả nước, nên có nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi mức vốn đầu tư phát triển do ngân sách trung ương hỗ trợ 5 năm tới sẽ giảm mạnh do áp dụng các tiêu chí, định mức mới về phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương, do đó, nguồn lực cần thiết để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cấp bách là rất khó khăn. Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định như trên sẽ tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng mức vay nợ và cơ chế hỗ trợ của ngân sách trung ương tương đương với cơ chế đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho Thủ đô Hà Nội.

Về mức thưởng vượt thu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ cụm từ “một phần” để thực hiện theo quy định hiện hành cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 (không quá 30% số tăng thu).

Về bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương so dự toán, Chính phủ đề nghị “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương một phần không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia…”. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ cụm từ “một phần” và để không giảm mức bổ sung có mục tiêu cho thành phố thì nên tiếp tục giữ nguyên như quy định tại Nghị định 61 là “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương không quá 70% số tăng thu NSTW từ các khoản thu phân chia…”. Vì nếu chỉ “một phần” của 70% tăng thu ngân sách trung ương do Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn quy định theo Nghị định số 61 hiện hành. Việc giữ nguyên quy định về mức bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương thích với mức bổ sung có mục tiêu cho Thủ đô Hà Nội như Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Phong đề nghị sửa “Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách trung ương tương ứng một phần không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia…” và “thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước”.

Tán thành với ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với quy định thành phố được thưởng vượt thu tương ứng với 30%, không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước; phần bổ sung có mục tiêu thì tương ứng 70%. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải tạo điều kiện cho thành phố phát triển, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là vùng động lực, chiếm 1/3 tổng số thu của cả nước mà chỉ hưởng 18%, còn lại điều tiết hết về trung ương. Do đó, cần có quy định đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh thu nhiều hơn, tạo ra nguồn lực nhiều hơn cho ngân sách.

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiểu rõ những khó khăn của Ngân sách Trung ương trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên vẫn phải tạo điều kiện ưu tiên cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đối với cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, cần ban hành Nghị định mới, nhưng phải đúng Luật, đúng thẩm quyền và phải tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ cho thành phố phát triển.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước do vậy cần có chính sách đặc thù để phát triển. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ về chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh, song đề nghị, những chính sách mà Chính phủ đề ra cần phải có điểm mới và tăng thêm được nguồn lực cho thành phố để thực hiện được nhiệm vụ kinh tế, chính trị, trở thành trung tâm kinh tế của cả nước.

Về mức thưởng, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất ghi rõ mức thưởng là 30%, tuy nhiên đối với phần hỗ trợ các mục tiêu ghi rõ không quá 70%. Về mức nợ vay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý nếu thành phố thấy mức 60% như quy định của Luật không đảm bảo cho thành phố phát triển thì mức vay sẽ là không quá 70% so với mức thu ngân sách thành phố được hưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Nghị định.

Vân Ngọc