Sau khi thảo luận, các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật để bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và tính khả thi sau khi được ban hành.
Thống nhất với chủ trương xây dựng lực lượng công an xã chính quy, các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng cần có lộ trình và phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động của việc đưa lực lượng công an chính quy từ cấp trên về cấp xã; về công tác bố trí đối với lực lượng công an xã bán chuyên trách hiện nay, đồng thời đảm bảo tính tương ứng giữa công an xã và quân sự xã...
Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi):
Toàn cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và đề nghị Cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho lực lượng công an viên hiện nay, sau khi thực hiện điều chuyển một lực lượng lớn chiến sĩ công an chính quy về cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo lưu ý làm rõ việc bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ công chức đang làm Trưởng công an xã sau khi bố trí công an chính quy về giữ chức danh này, và sử dụng các công an viên hiện nay.
Tán thành với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng Dự thảo Luật cũng chỉ quy định xây dựng công an xã chính quy, song lại không quy định điều kiện tổ chức triển khai, nên khó có thể yên tâm hiệu quả khi lực lượng chính quy chỉ hoạt động dựa vào màu áo, công cụ hỗ trợ hầu như không có.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận thấy, khó khăn lớn nhất trong tổ chức lại lực lượng này là bộ máy hiện nay quá lớn, không cẩn thận sẽ gây xáo trộn trong tổ chức hệ thống công an nhân dân hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ Phan Xuân Dũng phát biểu thảo luận.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ “phải nhìn nhận cả hai phía”, đưa chiến sĩ công an chính quy xuống để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ ở cơ sở, đồng thời cần xác định phương án xử lý cho việc thiếu người thực hiện công việc ở cơ quan cấp trên.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Kết luận phiên làm việc, Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo, các bộ, ngành chức năng để tiếp thu, chỉnh lý và thẩm tra, rà soát lại trước khi đưa ra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
Ngay sau phiên thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp lần thứ 24. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 nghị quyết về các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với từng nội dung cho ý kiến, sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận cụ thể, sẽ có thông báo tới các cơ quan tiếp tục thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng dân tộc, thường trực các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án luật và hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trước khi ký ban hành.