UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CỦA DỰ ÁN LUẬT GIÁO DỤC

08/08/2018

Tiếp tục phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 08/08, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp về dự Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Mở đầu phiên họp, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đó là các vấn đề về phổ cập giáo dục, về giáo dục phổ thông trong đó có vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, thời gian học tập của học sinh phổ thông; vấn đề về phát triển đội ngũ nhà giáo, đầu tư, tài chính trong giáo dục…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cao

Về phổ cập giáo dục, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục; tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hiện nay giáo dục phổ cập cho trể 5 tuổi đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, dự thảo Luật nên định hướng tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ dưới 5 tuổi.

Về vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết hiện có 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục địch liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Thảo luận về vấn đề này, Tổng Thư ký của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đây là vấn đề rộng và liên quan đến rất nhiều đối tượng khác nhau cho nên việc quyết định theo phương án nào phải hết sức thận trọng, nhất là kỳ thi THPT vừa qua để lại rất nhiều vấn đề. Trước mắt cần lấy ý kiến rộng rãi của cử tri trong cả nước thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, ý kiến của các đại biểu, chuyên gia…

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu nên cân nhắc khi chọn thi theo phương án nào, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn, đặt vấn đề “nếu không tổ chức thi THPT thì Bộ Giáo dục liệu có đảm bảo việc dạy và học có đảm bảo chất lượng hay không? Trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ nghiêng về phương án một với đề xuất của Ủy ban các vấn Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tuy nhiên khâu tổ chức thi, cơ sở vật chất và ngân hàng đề thi cần phải đảm bảo. Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh, theo ý kiến của cử tri đề xuất phương án thứ 3, đó là vẫn tiến hành tổ chức 2 kì thi riêng biệt và các trường Đại học tự chủ thi và lấy điểm như trước đây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đổi mới là cần thiết nhưng cần có sự ổn định và bền vững. Về vấn đề thi Trung học phổ thông cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ Sáu sang Kỳ họp thứ Bảy "Kì họp thứ 6 tới vẫn tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến".  Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án luật sửa đổi toàn diện nên giao Chình phủ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân dưới mọi hình thức.

Liên quan đến chính sách cử tuyển, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách cử tuyển không hiệu quả. Nhiều địa phương không thể thực hiện chính sách này, vì học sinh cử tuyển về địa phương không bố trí được việc làm. Không ít trường hợp học sinh học cử tuyển có đầu vào thấp, chất lượng học thấp và đầu ra thấp. Một số học sinh cử tuyển cũng có tư tưởng ỷ lại vào chính sách cử tuyển. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nên có quy định thu hẹp phạm vi, đối tượng cử tuyển.

Về kết cấu dự án luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng Dự án luật (sửa đổi) này cần sắp xếp lại kết cấu sao cho đảm bảo tính khoa học, logic xuyên suốt và phù hợp với hệ thống các luật khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã kịp thời bổ sung sửa đổi toàn diện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến, tiếp thu hoàn thiện báo cáo với tinh thần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật và có tính khả thi cao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định thực tiễn diễn ra có nhiều vấn đề cần quan tâm để sửa đổi luật này, qua đó vừa tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, kế thừa phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, vừa phải đổi mới toàn diện căn bản, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đồng thời cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ và lâu dài để phát triển giáo dục Việt Nam trong tương lai./.

 

Lê Phương - Nhóm ảnh

Các bài viết khác